này tiếp theo cuộc can thiệp khác. Các nước phương Tây không giúp đỡ
trực tiếp. Thay vì hy vọng ấm no, đất nước lại lâm vào cảnh khốn cùng lâu
dài. Những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp công nhân đã chết trong nội
chiến hoặc lên được vài bậc thì xa rời quần chúng. Sau một thời gian căng
thẳng ghê gớm về sức lực, hy vọng và ảo vọng, bỗng đến một giai đoạn dài
mệt mỏi, suy sút và vỡ mộng. Sự thoái trào của niềm “tự hào nhân dân” có
hậu quả đem lại một cao trào của tư tưởng cơ hội ngoi lên và tâm lý hèn hạ,
sợ sệt. Những ngọn triều ấy đưa tới chính quyền một tầng lớp lãnh đạo mới.
Sự giải ngũ một đạo hồng quân năm triệu người đóng một vai trò to
lớn trong việc hình thành đẳng cấp quan liêu. Các tướng tá đã đánh thắng
trở về nắm những cương vị quan trọng trong các Xô viết địa phương, trong
sản xuất, trường học và ở đâu họ cũng khăng khăng áp đặt cái chế độ đã
giúp họ đánh thắng trong nội chiến. Ở đâu quần chúng cũng dần dần bị loại
khỏi việc tham gia thật sự vào chính quyền.
Hiện tượng trong lòng giai cấp vô sản ấy làm nảy sinh những hy
vọng lớn và một niềm tin vững chắc trong giai cấp tiểu tư sản thành thị và
nông thôn, càng ngày càng mạnh dạn hướng về một cuộc sống mới theo
tiếng gọi của chính sách Tân kinh tế. Bọn quan liêu trẻ, hình thành lúc ban
đầu để phục vụ giai cấp vô sản, tự thấy mình đóng vai trò trọng tài giữa các
giai cấp. Ngày này qua tháng khác, chúng giành lấy quyền tự chủ nhiều
hơn.
Tình hình quốc tế tác động mạnh mẽ theo cùng một hướng. Lớp
quan liêu Xô viết ngày càng tự tin, tự đại song song với những thất bại
ngày càng nặng nề của giai cấp công nhân thế giới. Giữa hai sự kiện đó,
mối quan hệ không chỉ là thời gian, mà còn là quan hệ nhân quả và hỗ
tương: sự lãnh đạo quan liêu phong trào lao động góp phần vào những thất
bại; những thất bại lại củng cố chế độ quan liêu. Cuộc thất bại của khởi
nghĩa Bungari và sự tháo lui không vinh dự của công nhân Đức năm 1923,
cuộc thất bại nổi dậy ở Ettôni năm 1924, sự phá hoại bội phản của tổng bãi
công ở Anh và hành động không xứng đáng của những người cộng sản Ba
Lan đứng trước vụ đảo chính của Pinxuytki (Pilsudsky) năm 1926, cuộc
thất bại khủng khiếp của cách mạng Trung Quốc năm 1927, những thất bại