III
Có thể tìm ra dấu hiệu duy nhất giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của
thuật ngữ sự thật (fact) mà Comte sử dụng từ việc nó thường xuyên được
liên kết với tính từ quan sát được (observed), cũng như việc Comte bàn
luận về khái niệm quan sát (observation) của ông. Điều này vô cùng quan
trọng đối với ý nghĩa của thuật ngữ sự thật trong lĩnh vực mà chúng ta đang
quan tâm, đó là nghiên cứu con người và các hiện tượng xã hội. Comte đã
cho chúng ta biết rằng: “Sự quan sát thực thụ nhất thiết phải ở bên ngoài
người quan sát” và “sự quan sát từ bên trong mà người ta vẫn đồn thổi
chẳng qua chỉ là nhái lại một cách vô ích sự quan sát từ bên ngoài”, và điều
này bao hàm “tình huống mâu thuẫn nực cười khi trí tuệ của chúng ta tự
ngắm mình trong khi thực hiện các hoạt động thường lệ”
. Theo đó,
Comte nhất quyết phủ nhận triển vọng của mọi ngành tâm lí học, “bước
chuyển hóa cuối cùng của thần học”, hoặc ít nhất là mọi tri thức mang tính
nội quan về tâm trí con người. Chỉ có hai cách để các hiện tượng thuộc về
tâm trí cá nhân có thể trở thành đối tượng của nghiên cứu thực chứng: hoặc
là thông qua nghiên cứu các cơ quan tạo ra chúng, tức thông qua “tâm lí
học não tướng” (phrenological psychology); hoặc thông qua việc nghiên
cứu “các kết quả ít nhiều mang tính trực tiếp và kéo dài của các chức năng
tình cảm và lí trí” do chúng có một đặc điểm kì quặc là “không thể quan sát
trực tiếp khi chúng đang được thực hiện” - đây có lẽ là cái mà ngày nay
người ta gọi là cách tiếp cận theo chủ nghĩa hành vi. Sau này, do việc hình
thành bộ môn xã hội học, người ta đã bổ sung thêm việc nghiên cứu “tâm
trí tập thể”, hình thức tâm lí duy nhất phù hợp được chấp nhận đưa vào hệ
thống thực chứng, vào hai cách chính thống để nghiên cứu các hiện tượng
thuộc về tâm trí cá nhân.