CUỘC CÁCH MẠNG NGƯỢC TRONG KHOA HỌC - Trang 239

Về cách tiếp cận đầu tiên trong số những cách tiếp cận này, ở đây chúng

ta không cần nói thêm điều gì ngoài việc cần lưu ý rằng Comte thậm chí đã
rơi hoàn toàn vào vòng ảnh hưởng của người đã sáng lập ra “não tướng
học”, “Gall lừng danh, người đã có những tác phẩm bất hủ, để lại những ấn
tượng không phai mờ trong tâm trí nhân loại”, khi tin rằng nỗ lực của ông
nhằm khoanh vùng những “năng lực” tâm trí cụ thể vào trong những vùng
cụ thể của não bộ đủ để thay thế mọi hình thức tâm lí khác.

Cách tiếp cận “theo chủ nghĩa hành vi” của Comte đáng được chúng ta

lưu tâm nhiều hơn vì dưới hình thức khởi thủy này, cách tiếp cận ấy bộc lộ
rất rõ các nhược điểm của nó. Chỉ vài trang sau khi Comte giới hạn việc
nghiên cứu tâm trí cá nhân vào trong phạm vi quan sát “các kết quả ít nhiều
mang tính trực tiếp và kéo dài” của nó, công việc này đã trở thành việc
quan sát trực tiếp “một loạt các hành vi trí tuệ và đạo đức vốn thuộc về
ngành lịch sử tự nhiên nhiều hơn”, và đây là những thứ mà có vẻ như ông
cho là, về một khía cạnh nào đó, được cho trước và được biết đến một cách
khách quan mà không cần phải sử dụng phép nội quan hay sử dụng bất kì
phương tiện nào không phải là “quan sát từ bên ngoài”. Do đó, Comte
không chỉ ngầm thừa nhận các hiện tượng trí tuệ là một bộ phận trong số
các “sự thật” của ông, những thứ được ông nhìn nhận như bất kì thực tế nào
trong tự nhiên được quan sát một cách khách quan; đối với sự hiện diện của
tất cả các ý định và mục đích, ông thậm chí còn thừa nhận rằng tri thức con
người, thứ mà chúng ta sở hữu chẳng qua vì bản thân chúng ta là con người
và tư duy tương tự những người khác, là một điều kiện không thể thiếu để
chúng ta có thể lí giải các hiện tượng xã hội. Điều này chỉ đúng khi ông
nhấn mạnh rằng mỗi khi chúng ta phải nghiên cứu đời sống “động vật” (để
phân biệt với đời sống thực vật thuần túy, nghĩa là những hiện tượng chỉ
xuất hiện ở tầng cao hơn trong nấc thang tiến hóa của các loài động vật),
việc nghiên cứu không thể thành công nếu chúng ta không bắt đầu từ việc
“xem xét con người, thực thể duy nhất mà tại đó trật tự của các hiện tượng
này có thể lí giải được một cách trực tiếp”

[255]

.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.