IV
Lí thuyết ba giai đoạn của Comte có liên quan chặt chẽ đến đặc điểm
chính thứ hai của hệ thống, của sự phân loại các ngành khoa học mà ông đề
ra, hay là của lí thuyết về “hệ thống cấp bậc thực chứng (positive
hierarchy)” của các ngành khoa học. Ở phần đầu bộ Cours, ông vẫn trung
thành với tư tưởng của phong trào Saint-Simon về sự thống nhất tất cả các
ngành khoa học bằng cách quy mọi hiện tượng về một quy luật duy nhất,
quy luật về lực hấp dẫn. Nhưng dần dần ông từ bỏ niềm tin này và rốt cuộc
nó trở thành đề tài bị ông lên án kịch liệt như là một “chuyện không tưởng
ngớ ngẩn”. Thay vào đó, những ngành khoa học “cơ bản” hay lí thuyết (để
phân biệt với các ngành ứng dụng cụ thể của chúng) được sắp xếp theo một
trật tự tuyến tính duy nhất với mức độ tổng quát hóa giảm dần và mức độ
phức tạp tăng dần, bắt đầu là toán học (bao gồm cơ học lí thuyết) và tiếp
theo là thiên văn học, vật lí, hóa học và sinh học (bao gồm mọi nghiên cứu
về con người như là một cá nhân) đến những ngành mới và cuối cùng là vật
lí xã hội và xã hội học. Vì mỗi ngành khoa học cơ bản này đều dựa trên
những ngành đứng trước nó trong trật tự cấp bậc, xét trên khía cạnh là nó
tận dụng mọi kết quả của những ngành đi trước cộng thêm một số yếu tố
mới của riêng chúng, nên có một “điều bổ sung không thể thiếu đối với quy
tắc ba giai đoạn” là những ngành khoa học khác nhau chỉ có thể đạt đến
giai đoạn thực chứng lần lượt theo “trật tự bất biến và cần thiết” này.
Nhưng vì đối tượng nghiên cứu của ngành cuối cùng trong số các ngành
khoa học này lại là sự phát triển của tâm trí con người và do đó, sự phát
triển của bản thân ngành khoa học này, nên một khi được hình thành, nó trở
thành một ngành khoa học chung nhất, ngày càng có xu hướng tiếp nhận
mọi tri thức vào hệ thống của mình, dù cho lí tưởng này có thể không bao
giờ được nhận biết một cách hoàn chỉnh.