tất nhiên, nó dựa trên ảo tưởng rằng các hiện tượng thuộc về tâm trí cũng
được cho trước như các sự vật khách quan, và có khả năng quan sát và điều
khiển từ bên ngoài như các hiện tượng vật lí. Từ cách tiếp cận này có thể
suy ra là tri thức của chúng ta được coi là “tương đối” và phụ thuộc vào các
nhân tố có thể chỉ định (assignable) - không chỉ theo quan điểm của một
tâm trí giả định, có tổ chức cao hơn nào đó, mà còn là theo quan điểm của
chính chúng ta. Chính quan điểm này đã làm nảy sinh niềm tin rằng chúng
ta có thể tự nhận thức được sự “biến đổi” của tâm trí chúng ta và của những
quy luật của nó và niềm tin rằng loài người có thể tự kiểm soát sự phát triển
của mình. Ý tưởng về việc tâm trí con người có khả năng tự nâng mình lên
bằng nỗ lực bản thân, nếu có thể nói như vậy, vẫn là một đặc điểm nổi bật
của xã hội học cho đến tận ngày nay
, và ở đây chúng ta đã chỉ ra cội
nguồn (hay đúng hơn là một trong các cội nguồn, cội nguồn kia là Hegel)
của thói ngạo mạn hiện đại vốn đã tìm được cách thể hiện hoàn hảo nhất
của mình trong cái gọi là xã hội học về tri thức. Và thực tế rằng ý tưởng
này - tâm trí con người tự điều khiển sự phát triển của nó - ngay từ đầu đã
là một trong những ý tưởng lớn nhất trong xã hội học cũng chính là một sợi
dây liên kết luôn gắn nó với những lí tưởng xã hội chủ nghĩa để rồi theo tư
duy thông thường, xã hội học và chủ nghĩa xã hội thường được đồng nhất
thành một hệ thống
.
Chính việc tìm kiếm “quy luật chung của những biến đổi liên tục trong
quan niệm của con người” vốn được Comte gọi là “phương pháp lịch sử” là
“phần bổ sung không thể thiếu của logic thực chứng”. Nhưng mặc dù nội
dung này, một phần là do ảnh hưởng của Comte, ngày càng trở thành cái
nghĩa của thuật ngữ phương pháp lịch sử trong nửa cuối thế kỉ XIX, thì
chúng ta vẫn không được phép chấm dứt chủ đề này khi chưa chỉ ra rằng lẽ
đương nhiên, nó gần như trái ngược với cái nghĩa thực sự hoặc đã từng như
vậy của phương pháp tiếp cận lịch sử theo quan niệm của những nhà sử
học tầm cỡ, những người từ đầu thế kỉ đã cố gắng áp dụng phương pháp
lịch sử để hiểu được nguồn gốc của các thể chế xã hội.