rằng, không còn nghi ngờ gì, những tổng thể xã hội được biết đến đầy đủ
hơn và cho phép quan sát trực tiếp tốt hơn những phần tử cấu thành
chúng
, và do đó lí thuyết xã hội phải bắt đầu từ sự hiểu biết của chúng
ta về những tổng thể được nắm bắt một cách trực tiếp. Do đó, không khác
mấy so với Hegel, ông đã bắt đầu từ những khái niệm trừu tượng được
nhận biết bằng trực giác về xã hội hay sự văn minh hóa, và rồi từ đó rút ra
những tri thức về cấu trúc của khách thể bằng con đường suy diễn. Xa hơn
nữa, ông thậm chí còn tuyên bố đầy chắc chắn, điều đáng ngạc nhiên trong
tư cách của một nhà thực chứng, rằng từ quan niệm về cái tổng thể, chúng
ta có thể rút ra tri thức tiên nghiệm về những mối quan hệ tất yếu giữa
những bộ phận. Đây chính là điều giải thích cho việc tại sao chủ nghĩa thực
chứng của Comte đôi khi bị coi là một hệ thống của chủ nghĩa duy tâm.
Giống như Hegel, ông coi những cấu trúc xã hội mà trên thực tế chúng ta
chỉ có thể biết được bằng cách tái lập chúng, hay tạo dựng chúng, từ những
phần tử quen thuộc, như là những “cái cụ thể của cái tổng quát”; và ông
thậm chí còn vượt xa hơn cả Hegel khi tuyên bố rằng chỉ có xã hội như là
một tổng thể mới có thật và rằng cá nhân chỉ là một lát cắt của cái xã hội đó
mà thôi.