tung bay trên bầu trời. Hòa bình thì ai cũng muốn, còn ruộng đất thì chỉ
những người chưa bao giờ có mới muốn.
Người dân miền núi, qua di truyền, có mối quan hệ cực kỳ nhạy cảm
với ruộng đất. Sống trong điều kiện núi rừng khắc nghiệt, người Chechnya
phải thường xuyên tiến hành những cuộc chiến tranh dai dẳng để bảo vệ
mảnh đất của mình, tưới máu lên mảnh đất ấy với cả nghĩa đen và nghĩa
bóng vì họ không có mảnh đất nào khác, và cũng sẽ không có ở đâu khác,
cố giữ gìn cẩn thận phần đất được chia của mình. Và họ cũng hiểu, không
bao giờ được nhòm ngó mảnh đất của người khác. Đó là luật lệ.
Tuy nhiên, những người Bolsevich cũng hiểu rằng, đất đai không thể
chia theo kiểu bình quân: ai đó, tận trong sâu kín của tâm hồn cũng muốn
chiếm miếng đất của nhà hàng xóm, mà theo quan điểm của họ, đó là sự
công bằng. Đùa giỡn và lợi dụng những ý đồ hèn hạ đó, những người
Bolsevich đã vãi ra trong xã hội một đống lộn xộn, đánh lạc hướng người
dân, gây nên cảnh rối loạn.
Những người chưa từng có một mảnh đất, mà phần lớn trong số họ là
những kẻ vô công rồi nghề và không muốn làm việc. Trong mỗi bản làng
đều có những người bản địa và ngụ cư, không có gia phả, bị xua đuổi khỏi
mảnh đất quê hương vì những hành động thù hận đẫm máu, trộm cướp, sa
đọa hay những tội ác khác.
Người Chechnya gọi những kẻ như vậy là “con hoang”, nhưng với
nghĩa rộng hơn thì những người đó sẽ không được Thượng đế ban phước
lành, và mọi hành vi của họ trong cuộc sống đều bất nhân.
Nhìn chung, những người như vậy không nhiều, nhưng họ đều giấu
mình đâu đó trong mỗi cộng đồng, mỗi buôn làng. Chính họ đã tạo nên một
tôn giáo mới không có Thượng đế, phát triển rộng khắp trên toàn Xô viết.
Nơi nào có nhiều những “con hoang” như vậy thì xuất hiện chính quyền Xô
viết.