Tổ chức bí mật nơi Partain đến nhận nhiệm vụ một mặt còn đang được hình
thành, mặt khác "chịu sức ép đáng kể buộc phải hoạt động ngay".
Mc.Namara, Mac Bundy, Rostow - những ông lớn ở Washington - đòi hỏi
phải gây sức ép đối với Hà Nội. Hệ quả là các nhân viên quân sự được
"triệu một cách khẩn cấp từ các đơn vị khác nhau của MACV, thậm chí trực
tiếp từ chiến trường rồi ghép lại với nhau, trong đó có một số nhân viên hầu
như không có kinh nghiệm gì về nội dung hoạt động nhưng được yêu cầu
phải làm việc". Quả là phương pháp làm việc vội vã. Khi nhớ lại Partain
cho rằng "lẽ ra phải có mô hình tổ chức được phê duyệt trước và có những
người được phân công để lập ra và hoàn thành kế hoạch trước khi bắt đầu
hoạt động"(
). Nhưng điều đó đã không xảy ra vào năm 1964.
ĐẠI TÁ CLYDE RUSSELL ĐẾN SÀI GÒN
Partain phục vụ dưới quyền đại tá Clyde Russell, vị chỉ huy đầu tiên trong
tổng số năm người lãnh đạo SOG. Russell đến Sài Gòn cùng với một nhóm
tiền trạm nhỏ vào tháng Giêng và trong vòng 6 tháng liền phải làm việc
không ngơi nghỉ. Ông được chỉ định lãnh đạo MACVSOG hay SOG.
Russell tham gia lực lượng đặc biệt trong những năm 1950, sau khi đã phục
vụ trong lực lượng nhảy dù và bộ binh. Trong chiến tranh thế giới thứ hai,
ông nhảy dù xuống Pháp và Hà Lan. Sau chiến tranh, ông được điều về lực
lượng bộ binh và đã từng là tham mưu trưởng của Trường bộ binh ở Fort
Benning. Không ai biết lý do tại sao ông lại chuyển sang lực lượng đặc biệt.
Russell là một người chỉ huy hoạt động đặc biệt có nhiều kinh nghiệm, đã
từng chỉ huy tiểu đoàn 1 của lực lượng đặc biệt 10 ở Đức và Nhóm lực
lượng đặc biệt số 7 ở Fort Bragg mà địa bàn hoạt động chủ yếu là Mỹ
Latinh. Vì vậy, mặc dù Russell là một trong những sĩ quan cao cấp của lực
lượng đặc biệt, đối với ông châu Á hoàn toàn mới mẻ. Hơn nữa, kinh
nghiệm chiến tranh không quy ước ở lực lượng đặc biệt 10 không giúp gì
cho ông trong việc chỉ huy các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc.