cỏ đất đai kia nữa, gớm thôi, dạo ấy mới gào rú, la hét sát sát kinh
thiên động địa làm sao! Bất giác anh nở một nụ cười với họ. Họ cũng
cười lại, trẻ trung, cao lớn, oai phong, trắng trẻo chỉ bằng tuổi con
tuổi cháu.
Đi bên cạnh anh và hầu như lúc nào cũng có mặt ngay sát cạnh
anh, Bằng cũng cười, khi mủm mỉm khi lại hết cỡ miệng, thoải mái
tung tẩy như đi chính trên đất ông bà mình. Cái cười như thể nhấn
nhá lại một điều anh ta đã quang quác từ lâu: “Thấy chưa! Đã bảo
đang không lại uýnh vào mặt nhau đổ bã trầu là vớ vẩn chưa? Đó,
uýnh nhau xong, người ta mau chóng dẹp mọi chuyện sang một bên
xắn tay vào cải tạo cuộc sống mới, còn mình, anh bạn cựu chiến
binh ạ, mình lại cứ say sưa mãi trong trò chơi chiến thắng. Vũ
Nguyên im lặng. Và nói chung suốt từ lúc bước chân đi, anh thường
là phải im lặng mọi điều trước những câu nói cực đoan, nông nổi và
rát bỏng của người bạn tốt bụng nhưng cạn đầu. A Linh cũng nhận
ra điều ấy. Có lúc, để trấn an người bạn trai Việt Nam thích tuyên
ngôn và lập ngôn của mình, vẫn bằng những âm tiết hơi ngọng
nghịu và cách đặt từ chưa trúng chỗ lắm, cô nhẹ nhàng nói lại: “A
Linh thấy anh Bằng chỉ đúng một nửa câu nói thôi à. Một nơi có
hoàn cảnh một nơi, vậy à, làm sao có thể giống nhau được”.
Bằng vẫn cười, dễ dãi, không hề có ý tranh luận lại. Anh ta bấm
vào sườn Vũ Nguyên, mắt đánh về mấy cô giá vận váy ngắn bước
bên kia hè đường, nhấm nháy: “Cái đùi! Cái đùi!... Trắng khủng
khiếp?”. A Linh quay lại: “Anh Bằng bảo cái gì khủng khiếp đấy?”
Bằng tỉnh bơ: “Cái gì đâu. Tôi nói với anh Nguyên đây là cuộc sống
của nhân dân Trung Quốc thay đổi… khủng khiếp!” Vũ Nguyên
nhìn nhanh sang khuôn mặt nửa tin nửa ngờ của A Linh suýt phì cười.
Một khuôn mặt Trung Hoa điển hình: Mắt xếch, tròng con ngươi
đen láy, đầy ắp, có cảm giác chỉ cần chớp mắt là từ đó có những
làn nước xanh biếc trong thơ Lý Bạch tràn ra. Chao ôi! Cho đến tận