1
C
ái quán đã ở đó, mấy mươi năm trời xa ngái, từ ngày ông mới về
trường. Hai gốc xoài cổ thụ dưới vườn thực vật vươn lên, che xanh tầm
nhìn từ những ô cửa sổ hướng ra phía đường chân trời. Đám dây leo dại
phủ đầy mấy góc tường. Lũ học trò phá ranh giới giữa trường và phố bằng
những lỗ thủng nhỏ, tranh thủ lúc vắng thầy chui ra quán hút thuốc lá trộm.
Khi mấy đứa bạn đứng trên cửa sổ đưa tay vẫy, chúng lại nhớn nhác ùa về.
Ông bà chủ bày mấy cái bàn, bán kem cây, chè, nước ngọt. Sau phát triển
bán cả đồ ăn. Cách đây mươi năm, bia hơi, bia chai, lai rai chiếm chỗ mỗi
buổi chiều.
Thuở túng thiếu, ông thường ký sổ bà chủ vài gói thuốc, có lương trả.
Khi quán nâng tầm bia bọt, rảnh rang ông vẫn cùng đồng nghiệp ghé lại
cụng ly mỗi chiều. Quán nhậu gần trường, đôi lần bị nhắc nhở. Chẳng biết
ông bà chủ xoay xở thế nào, vẫn kinh doanh dìu dặt. Tuy vậy, nó không hề
ồn ã. Số lượng bàn ít, những góc khuất êm đềm, dịu bóng cây xanh. Khách
nhậu cũng rì rầm, nhỏ nhẹ, vài kẻ trầm ngâm. Ra đi, đôi lúc ông nhớ cái
góc ngồi nơi đáy quán hơn nhớ cả bục giảng, sân trường.
Thêm nửa ngày vần vô lăng, hòa vào dòng xe trên phố, qua mấy cái
bùng binh nghẹt người, tay lái ông có vẻ đã ổn. Côn, ga, số nhịp nhàng, tự
tin. Gã bạn bảo:
- Kiếm cái quán, tao với này tranh thủ ngồi. Chẳng còn mấy ngày nữa
để gần nhau. Ngồi ít thôi, tao còn bận việc khác.
- Hay về lại quán trường? Có cái hốc, đậu được xe.
- Sao mày nói, ngại quay lại chỗ ấy?
- Thì cũng chỉ còn lần này.
- Bao lâu rồi chưa ghé?