Liên Xô đã cử Sharaf Rashidov, Bí thư Đảng ở Uzbekistan và Nguyên
soái Sergei Biryuzov, Tư lệnh Các Lực lượng Tên lửa Chiến lược Liên Xô,
tới nói chuyện với chúng tôi. Cả Raul và tôi đều có mặt trong cuộc gặp đầu
tiên.
Sau khi cung cấp thông tin về kế hoạch mà tôi vừa nói đến ở trên, các
đồng chí đó đã hỏi xem tôi thấy cần phải làm gì để ngăn ngừa cuộc tấn
công. Tôi đã bình tĩnh trả lời: “Đưa ra một tuyên bố chính thức, giống như
những gì người ta vẫn làm trong những tình huống tương tự, để cảnh báo
Chính phủ Mỹ rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Cuba đều được coi
là hành động tấn công Liên Xô”.
Sau đó tôi trình bày những lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Các
đồng chí đó ngồi suy nghĩ một lúc rồi nói thêm rằng vì đó không phải là
một tuyên bố đơn giản, nên sẽ phải có một số biện pháp cụ thể. Và sau đó
các đồng chí ấy cũng nói rằng tốt nhất là phải triển khai một lực lượng tối
thiểu các loại tên lửa tầm trung trên lãnh thổ Cuba.
Theo quan điểm của tôi, phía Liên Xô khi đó rõ ràng là rất mong
muốn đạt được bước tiến trong sự cân bằng sức mạnh giữ Liên Xô và Mỹ.
Tôi phải thừa nhận rằng tôi không hề thích thú gì với sự có mặt của những
vũ khí như vậy tại Cuba, đơn giản là chúng tôi không muốn xây dựng hình
ảnh Cuba là một căn cứ quân sự của Liên Xô (trong mắt Mỹ, và đặc biệt là
trong mắt các quốc gia Mỹ latinh khác). Vì vậy tôi đã trả lời, “Chúng ta hãy
tạm nghỉ đã; tôi muốn bàn bạc với các đồng chí trong Ủy ban Cách mạng
Quốc gia về vấn đề hết sức nhạy cảm và cực kỳ quan trọng này”.
Và chúng tôi đã tiến hành họp buổi chiều hôm đó. Tôi nhớ là tại cuộc
họp, ngoài tôi và Raul còn có Bias Roca, Che, Dorticos và Carlos Rafael.
Tôi thông báo lại cho họ những gì chúng tôi vừa thảo luận sáng hôm đó và
giải thích cho họ cảm nhận của tôi rằng ngoài mong muốn chân thành từ
phía Liên Xô là ngăn ngừa một cuộc tấn công vào Cuba, đây là điều mà
Khruschev rất quyết tâm, thì họ cũng hy vọng cải thiện sự cân bằng chiến
lược về sức mạnh, vì sự có mặt của những tên lửa Liên Xô tại Cuba có ý
nghĩa như một biện pháp đối trọng với việc Mỹ triển khai các tên lửa tương
tự tại Thổ Nhĩ Kỳ và Italia, những quốc gia rất gần với Liên Xô.