định như lúc đầu nữa. Về mặt nguyên tắc, lẽ ra họ phải tham khảo ý kiến
của chúng tôi.
Giả sử nếu họ làm như vậy, thì những điều kiện của bản thỏa thuận
sau đó chắc chắn là đã tốt hơn. Sẽ không đời nào có sự xuất hiện của Căn
cứ Hải quân Guantánamo; sẽ không bao giờ tái diễn những chuyến bay do
thám tầm cao... Tất cả những điều đó khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm
ghê gớm; chúng tôi coi đó như một lời lăng mạ. Và chúng tôi đã phản đối.
Thậm chí ngay cả sau khi Bản thỏa thuận được ký kết, chúng tôi vẫn bắn
vào những chuyến bay do thám tầm thấp. Vì vậy cuối cùng phía Mỹ phải
tạm ngưng. Quan hệ giữa chúng tôi với Liên Xô cũng trở nên tồi tệ. Trong
nhiều năm liền, chuyện này đã ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Cuba - Liên
Xô.
Tôi không định nói cho ông một cách chi tiết tất cả những bước đi mà
chúng tôi đã tiến hành trong giai đoạn khủng hoảng đó, nhưng có lẽ ông sẽ
không thể hiểu một cách ngọn ngành tất cả những khía cạnh chính trị, đạo
đức và quân sự nếu không tham khảo những lá thư mà tôi và Khruschev đã
trao đổi trong những ngày đó.
Tôi xin được bắt đầu bằng lá thư mà tôi gửi cho Khruschev ngày 26
tháng 10 năm 1962:
Đồng chí Khruschev thân mến,
Sau khi phân tích tình hình và căn cứ vào những báo cáo chúng tôi
hiện có, tôi đánh giá rằng cuộc tấn công có thể xảy ra bất kỳ lúc nào -
trong vòng từ hai mươi tư đến bảy mươi hai giờ tới.
Có hai tình huống có thể xảy ra: tình huống thứ nhất và dễ xảy ra
nhất là một cuộc không kích để phá hủy một số mục tiêu cụ thể; tình huống
thứ hai, dù ít khả năng xảy ra hơn nhưng vẫn hoàn toàn có thể, là đổ quân
vào xâm lược. Theo quan điểm của tôi thì tình huống thứ hai này đòi hỏi
một lực lượng khá lớn và cũng là hình thức xâm lược dễ vấp phải sự phản
kháng nhất, cho nên rất có thể họ sẽ phải cân nhắc kỹ.
Đồng chí có thể tin chắc rằng chúng tôi sẽ tiến hành kháng cự một
cách quyết liệt và kiên định trong trường hợp bị tấn công bằng bất kỳ khả