người trí-thức ».
Nhưng ông vẫn nuôi ý tưởng cảm hóa được phái trí thức Ấn, một ngày
kia. Ông cho rằng chỗ của ông không phải là ở địa vị lãnh tụ Đảng Quốc-
hội. Ông không muốn đánh vào lý trí của họ. Ông muốn đi thẳng vào trái
tim của họ, mà ông đã cảm hóa được hồi năm 1915 và 1919. Bởi thế ông từ
chức lãnh đạo chính trị của phong trào giải phóng.
Người ta muốn giữ ông ở lại, lấy cớ rằng rời bỏ trường chính trị thì ông
không còn uy tín mạnh mẽ trong dân chúng nữa, vì ông không có lập trường
hoạt động. Ông trả lời :
« Uy tín đâu có thể tìm cách gây được, và tự do giữ được ? Nếu lấy
được lòng dân, thì uy tín khắc đến với mình, và khi ấy thì không phải giữ,
cũng tồn tại với mình mãi mãi ».
Thực vậy, ông không hoạt động gì về chính trị mà uy tín ông vang dậy
khắp cõi Ấn. Suốt năm 1925, ông đi khắp nước, lặn lội tìm đến những nơi xa
xôi hẻo lánh nhất để tiếp xúc với dân chúng. Nhưng lần này các đồ đệ ông
nhất định không chịu để ông đi xe hỏa hạng cuối như ông muốn nữa. Họ ép
ông lên toa hạng nhì. Ông cũng bằng lòng, không phải vì chỗ ngồi rộng rãi
mát mẻ hơn, mà là vì trên toa hạng nhì ông có đủ chỗ ngồi viết lách ; Vì
rằng, dù ở nơi nào, hàng tuần ông vẫn không quên gửi bài về đăng trên mấy
tờ tạp chí của ông. Đi tới đâu, ông cũng bị hàng trăm ngàn người vây bọc
chào đón tưng bừng. Ông than phiền là không lúc nào được dân chúng để
yên, dù là khi tắm rửa. Chân tay ông xây xát vì dân chúng ôm lấy mà hôn.
Ông phải bôi thuốc mỡ vào ống chân, Toàn thể một bộ lạc ở miền núi kia
muốn xin ông cho một bức chân dung để tôn thờ làm tượng. Ông cho sự
sùng bái ấy là thừa : « Tôi có phải ông Thánh đâu ? » Nhưng dù ông muốn
nói thế nào, dân chúng cũng coi ông như hiện thân của Đức Phật, của
Thượng-Đế như thần Krichna. Từ những nơi làng mạc xa xôi, ở tận cùng
những bãi cát khô khan, hay thẳm trong núi tuyết băng che phủ dân chúng
ùn ùn kéo tới để sùng niệm ông như sùng niệm một vị Thánh giáng phàm.
Nhiều khi, phải khó nhọc mới đưa được ông ra khỏi đám đông, vì sợ ông bị
công chúng xô đẩy nhau mà dẫm chết.