Thái độ đó làm cho dư-luận thế-giới rất khâm phục. Từ Anh, từ Ấn, rất
nhiều điện tín đánh đến Nam-phi để khen Cam-Địa.
Smuts mặc dầu rất bận rộn về cuộc bãi công trong ngành hỏa-xa cũng
mời Cam-Địa đến thảo luận. Thế là một lần nữa, chính-phủ Nam-phi lại phải
công nhận nguyên-tắc điều-đình với người Ấn. Ngoài ra đặc phái viên của
phó vương Ấn-độ là Sir Benjamin Robertson cũng vừa từ Ấn cấp-tốc tới để
dàn xếp đôi bên, kẻo dư-luận bên Ấn mỗi ngày một sôi nổi, làm cho người
Anh rất lo ngại.
Cuộc điều-đình nhờ đó mà dễ dàng thêm nhiều. Tuy nhiên, mãi đến
ngày 30 tháng 6 năm 1914, hai bên mới đi tới chỗ thỏa-thuận. Và đến tháng
bẩy thì một đạo luật mới được quốc-hội Nam-phi ban-bố, chỉ-định sự giao-
thiệp giữa người Ấn và người Nam-phi. Đạo luật nhấn mạnh đến mấy điểm
quan trọng sau đây :
1) Các cuộc hôn nhân giữa người Ấn, người Hồi và người Parsi đều
hợp pháp.
2) Khoản thuế thường-niên 3 bảng đánh vào những người thợ Ấn mãn
hạn giao-kèo muốn ở lại Nam phi, nay bãi bỏ.
3) Từ 1920, thì thợ Ấn sẽ thôi không di-cư vào Nam-phi.
4) Kiều dân Ấn ở Nam-phi không được tự do đi từ xứ này sang xứ
khác. Nhưng người Ấn nào đẻ ở Nam-phi thì có thể tự do vào xứ Le Cap.
Sau khi đã được toại-nguyện, Cam-Địa cùng vợ từ giã xứ Nam-Phi.
Ngày 18 tháng 7 năm ấy, ông đáp tầu sang Anh. Ông vận âu phục, dáng-điệu
có vẻ mỏi và tư-lự, song không thiếu phần cao quý. Bà Kastourbai vận bộ áo
sari mầu trắng thêu hoa. Trông bà mảnh-dẻ yếu đuối, song nhan-sắc thực là
lộng-lẫy. Bấy giờ hai ông bà đều trên dưới 45 tuổi.
Trước khi từ biệt Nam-Phi, Cam-Địa nhờ Potale gửi biếu tướng Smuts
một đôi dép cói chính tay ông bện lấy trong những ngày dài giằng-dặc bị
giam cầm ở nhà ngục Nam-Phi. Tướng Smuts trân-trọng giữ gìn vật biếu đó
cho mãi đến năm 1939, nhân ngày lễ thọ thất tuần Cam-Địa, ông bèn gửi
biếu lại kẻ địch cũ. Vào dịp ấy, ông viết rằng :