Nhưng Cam-Địa không mắc mưu ấy. Vừa ra khỏi nhà giam, ông liền
tuyên-bố ngay không thừa nhận các ủy-ban chỉ định bởi các tướng Botha và
Smuts. Ông cho rằng các nhà cầm quyền Nam-phi không thực tâm trong
việc điều tra những vụ đàn-áp. Ông không nghi-ngờ lòng vô tư của vị chủ-
tịch ủy-ban là Sir William Solomon ; song ông tố-cáo hai nhân viên khác
của ủy-ban có ác ý với người Ấn, nhất là đại-tá J. S. Wylie người đã xúi-giục
và khích-động dân chúng dùng bạo lực đánh đuổi các kiều dân Ấn năm
1897, ở Durban. Ông lại nhắc rằng chính viên đại-tá này đã công nhiên tán
thành lời của một người trong đám biểu tình hứa sẵn sàng xuất một tháng
lương của mình để thưởng cho kẻ nào bắn chết một người Ấn.
Ba ngày sau khi được tha, Cam-Địa dự một cuộc mít-tinh ở Durban.
Ông đã trút bỏ bộ âu-phục để mặc quốc-phục. Đó là ông để tang những bạn
đồng chí bị thiệt mạng trong cuộc đình công của thợ mỏ. Ông lên tiếng
khuyên mọi người can đảm tiếp-tục cuộc tranh-đấu để khỏi phụ lòng những
người đã hy-sinh tính mạng cho mục-đích chung.
Sau cuộc hội họp ở Durban, Cam-Địa viết thư cho tướng Smuts yêu-
cầu thải Esselen và Wylie khỏi ủy-ban điều-tra. Smuts bác lời thỉnh-nguyện.
Cam-Địa liền công bố cho mọi người biết rằng đến mồng một tháng giêng
1914, ông sẽ cùng một nhóm đồng chí từ Durban vượt qua biên-giới xứ
Natal, để lại vào tù. Ông nói thêm rằng ông không đòi cho người Ấn được tự
do di-cư vào Nam phi, và cũng không đòi được ngang quyền lợi với người
da trắng ; mục đích cuộc tranh đấu của ông chỉ cốt để thu hồi lại những
quyền lợi trước đây đã công nhận cho người Ấn, mà bây giờ lại tước đi một
cách bất công.
Vào lúc bấy giờ, các nhân-viên trong ngành hỏa xa của Chính-phủ cũng
lại đình công, khiến cho các nhà cầm quyền Nam-phi bối rối không biết khu
xử ra sao. Không muốn lợi dụng lúc địch-thủ đang phải đối đầu với tình-
trạng khó khăn mà tăng thêm yêu sách, Cam-Địa có một hành-động rất cao
thượng là hạ lệnh bãi bỏ cuộc hành trình dự định ngày mồng 1 tháng giêng
năm 1914. Ông muốn cho địch-thủ phải tự mình nhận thấy điều lỗi mà hối
cải, chứ ông không thèm lợi dụng lúc họ khốn quẫn mà ép buộc họ ký kết.