những vật dụng khác ế chất hàng đống, bán rẻ cũng không ai mua, tất phải
khấn mà vất xuống biển cho khỏi tốn phí tiền mang về nước. Các nhân công
nếu cũng biết bảo nhau mà tẩy chay hết mọi sự mời mọc quyến rũ của các
chủ mỏ, chủ đồn-điền, nếu biết đùm bọc lấy nhau cùng thân quyến, mà chia
sẻ cho nhau mỗi người một ít, sống tạm qua những ngày khó khăn, thì bọn
tư-bản ngoại quốc tất phải sớm cuốn gói theo gót bọn nhà buôn về nước.
Tóm lại, theo Cam-Địa, chỉ một phong-trào bất hợp-tác cũng đủ giải-
phóng được nước nhà. Song đó là lý-thuyết. Về thực-tế, tất nhiên không thể
áp-dụng được trước khi dân chúng đã tự luyện được một sức mạnh tinh thần
rất cao. Nhưng mới chỉ áp-dụng trong phạm-vi nhỏ hẹp của một vài địa
phương với sự tham-gia của một nhóm đồng chí cùng môn-đệ, mà phong
trào bất hợp-tác đã gây ra không thiếu sự khó khăn nào cho nhà cầm quyền
người Anh thì thử hỏi công-dụng xác-thực của một phong-trào toàn thể sẽ to
tát đến đâu ?
Bởi vậy, Cam-Địa cho sự nóng nẩy của các phần-tử quốc gia trong
Đảng Quốc-Hội là không thích-hợp với tình-trạng nước Ấn. Ông chủ-trương
phải đi một cách kiên-nhẫn, từng giai-đoạn một. Việc trước tiên ông muốn
làm là gây cho mọi người, nhất là người dân quê mà tổng số chiếm 90 phần
trăm dân số toàn quốc, một lẽ sống mới, một niềm tư-tưởng mới, những
phương-châm hoạt-động mới.
Thời gian đã xác-nhận quan-niệm của ông là đúng. Phong-trào hoạt
động tích-cực đã bị tan rã trong máu, sau một cuộc đàn áp không thương tiếc
của bọn người Anh. Trái lại, thắng lợi ở Champaran tỏ rõ người ta có thể tay
không mà thắng địch, ấy là chỉ riêng với ý chí đoàn kết.
Ông chú trọng luyện-tập sức mạnh của tinh thần tới bực từ chối cả sự
giúp đỡ, tuy nhiên rất thành thực, của một bạn đồng chí người Anh. Ngay
khi ông lao mình vào cuộc kháng Anh ở Champaran, thì một người Anh đệ-
tử thuyết hòa-bình, là ông Charles Freer Andrews, bạn trung thành của ông,
tìm gặp ông để tình nguyện theo giúp. Sự có mặt của một người Anh trong
hàng ngũ phản kháng có thể làm dễ dàng nhiều cho cuộc tranh-đấu. Các