Cam-Địa bắt đầu lo không biết họ sẽ nóng máu làm liều, gây ra sự đổ máu,
hay làm nhụt hết ý chí tranh-đấu mà hàng-phục bọn chủ để cầu xin lại được
đi làm.
Bấy giờ một ý tưởng đến với Cam-Địa. Một sáng kia, trước mặt đủ số
thợ dệt bãi công quây quần xung quanh gốc đa ông ngồi, ông ngỏ với họ ý
chí cương-quyết sẽ nhịn ăn đến chết, nếu họ không chịu giữ lời đã hứa là
tiếp-tục cuộc tranh-đấu cho đến khi thắng lợi.
Từ trước tới nay, Cam-Địa cũng nhiều lần nhịn ăn, song chỉ là vào
những tuần chay, hoặc những khi ông ăn khem với mục-đích giữ vệ-sinh bộ
máy tiêu hóa. Lần này là lần đầu ông tuyệt thực để đạt một yêu-sách.
Ông tuyệt thực chỉ cốt để buộc những thợ bãi công phải giữ lời hứa, tức
là không được bạo-động, cũng như không được bỏ dở cuộc tranh-đấu trước
khi toàn thắng. Song chính phái chủ lo-lắng trước tiên.
Khi họ tới vấn-an ông thì ông khuyên họ không nên bận tâm tới sức
khỏe của ông ; ông tuyệt thực vì thợ chứ không phải vì họ. Vả lại, ông đã tự
đứng vào hàng ngũ những thợ bãi công, nên ông chỉ muốn được coi như một
người thợ, tức là một người trong phái địch. Mặc dầu những lời lẽ ấy, đối
với các nhà kỹ-nghệ thành Ahmedabad, bao giờ cũng là bậc cao nhân, vị
Thánh mà họ tôn-sùng, nên ba ngày sau, họ ưng thuận giao việc xích-mích
cho một ủy-ban trọng tài hòa-giải. Cuộc đình-công dứt sau khi kéo dài hai
mươi mốt ngày.
Ý định của Cam-Địa là nhịn ăn để ép buộc bọn thợ đình-công giữ trọn
vẹn lời thề nguyền. Ông không muốn cho cuộc đình công thất bại vì e sự
thất bại đó sẽ làm nản lòng nhụt chí những người tranh-đấu về sau. Vả lại
ông rất ghét những linh hồn thấp hèn yếu đuối chưa hoạt-động bao lâu đã
mang ý tưởng hàng phục. Ông có cảm tình nồng nhiệt với những kẻ nghèo
kẻ yếu song ông muốn cho họ phải chống lại nỗi khó khăn với một thái-độ
phản-kháng tuy hòa-nhã nhưng không kém phần cương-quyết. Tuy nhiên,
nói ví dụ ông về phe chủ nữa, trong trường hợp này ông cũng tuyệt thực.
Ông rất hài lòng là cả đôi bên chủ và thợ đều nghe theo lời ông khuyên bảo