CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP NAPOLEON BONAPARTE - Trang 5

Chương I

Thời niên thiếu của Napoleon
Bonaparte

Ngày 15 tháng 8 năm 1769, tại thành phố A-giắc-xi-nô thuộc đảo

Coóc, Lê-ti-ti-a Bô-na-pác, 19 tuổi, vợ một người quý tộc địa phương làm
nghề luật sư, đang đi ngoài phố bỗng thấy đau đẻ, vội rảo bước về nhà thì
sinh được một đứa con trai. Lúc bấy giờ, quanh Lê-ti-ti-a không có ai nên
đứa bé đã bị đẻ rơi. Thế là gia đình của Sác Bô-na-pác, một luật sư nghèo ở
thành phố A-giắc-xi-ô, thêm một người. Sác Bô-na-pác quyết định cho con
mình hấp thụ nền giáo dục Pháp chứ không phải nền giáo dục Coóc. Khi
đứa bé lớn lên, gia đình đông người ấy không có đủ tiền cho con ăn học,
Sác Bô-na-pác đã xin được học bổng cho con vào theo học ở một trường võ
bị Pháp.
Đảo Coóc, sau nhiều năm thuộc về nước Cộng hoà Giên, đã nổi dậy dưới
sự lãnh đạo của một địa chủ địa phương tên là Pao-li, và, năm 1755, đã
đuổi được người Giên ra khỏi đảo. Lẽ dĩ nhiên, đó là một cuộc khởi nghĩa
của tầng lớp tiểu quý tộc nông thôn và của nông dân được những người săn
bắn, những người chăn cừu ở trên núi và dân nghèo ở một vài thành thị ủng
hộ. Tóm lại, đó là cuộc khởi nghĩa của một dân tộc muốn thoát ra khỏi ách
bóc lột hà khắc về thuế khoá và cai trị của một nước cộng hoà buôn bán.
Cuộc khởi nghĩa thu được thắng lợi, và từ năm 1755, đảo Coóc sống độc
lập dưới sự lãnh đạo của Pao-li. Những tàn dư của xã hội tộc trưởng vẫn
còn mạnh (đặc biệt ở trong nội địa đảo). Thỉnh thoảng, các thị tộc lại giao
tranh ác liệt và dai dẳng. Tệ tục "thù truyền kiếp" rất phổ biến, thường được
kết thúc bằng những trận chiến đấu khủng khiếp.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.