cổ họng làm mình nghẹt thở, chả thốt ra được lời nào, vì thế việc này tôi
trông cậy vào anh cả.
- Lạ nhỉ! Thế ra cậu không thể phát biểu trước đám đông à? Bất tiện thật. -
Nhím đăm chiêu.
Tôi trả lời rằng đó cũng chẳng phải là vấn đề bất tiện gì lắm.
Lát sau, tôi và Nhím đi dự tiệc. Buổi tiệc được tổ chức tại nhà hàng
Kashintei - nghe nói là nơi sang trọng nhất thị trấn. Tôi chưa từng đặt chân
đến đó bao giờ. Theo tôi biết thì nó vốn là dinh thự của một viên quan lớn
thời phong kiến, sau đó bị bán đi và tu sửa lại chút ít thành nhà hàng nên
vẫn còn giữ lại những nét kiến trúc khá đường bệ. Thật lòng mà nói, tôi có
cảm nhận việc biến dinh thự của các bậc quan tướng thành một điểm ăn
uống như thế chẳng khác nào biến một bộ chiến bào oai phong thành đồ lót
vậy.
Khi chúng tôi bước vào dường như mọi người đã đến đông đủ, túm tụm với
nhau thành từng nhóm hai, ba người trong một căn phòng rộng hơn chín
mét vuông. Góc phòng dành để trang trí rất rộng, hài hòa cùng không gian
tráng lệ, thoáng đãng xung quanh; ngay cả góc trang trí của căn phòng tôi
từng ở tại nhà trọ Yamashiro cũng không thể so sánh được. Nó chiếm diện
tích chừng ba mét. Phía bên phải đặt một bình gốm Seto có nhiều hoa văn
màu đỏ cắm một nhành thông lớn. Tôi không hiểu tại sao họ dùng nhánh
thông, nhưng nghĩ chắc là vì họ muốn tiết kiệm nên đã chọn loại nào có thể
tươi xanh trong vòng vài tháng. Tôi hỏi giáo viên khoa học món đồ sứ Seto
này xuất xứ từ đâu thì anh ta bảo rằng: “Nó không phải là Seto, nó là Imari
đấy chứ”.
Tôi nói với anh ta tôi nghĩ Imari cũng là một loại gốm Seto thì anh ta cười
to. Sau này tôi mới biết thuật ngữ gốm Seto chỉ sử dụng để nói về các loại
đồ gốm được sản xuất ở vùng Seto mà thôi. Là người thủ đô, tôi cứ đinh
ninh từ Seto dùng cho mọi sản phẩm bằng gốm cơ đấy.