Lần này Barsac và Baudrières không nhân nhượng nhau một ly và cuộc
tranh luận của họ kéo dài không thôi. Cuộc tranh cãi bắt đầu khi Barsac đưa
ra dự luật về việc cần tổ chức năm khu dân biểu cho Sénégambie, Thượng
Guinée và phần Soudan thuộc Pháp nằm ở phía Tây sông Niger và về việc
trao cho người da đen quyền bầu cử và ứng cử. Như mọi lần, Baudrières lập
tức hăng hái chống lại đề nghị của Barsac và hai vị dân biểu đối lập đã dẫn
ra cả lô những bằng chứng để chống lại nhau.
Dựa vào chứng cứ của các nhà thám hiểm quân sự và dân sự, Barsac
tuyên bố rằng người da đen đã đạt tới một trình độ văn minh khá cao. Ông
còn nói thêm rằng xóa bỏ chế độ nô lệ hẳn còn quá ít mà còn phải trao cho
các dân tộc bị nô lệ các quyền như của những người đi chinh phục và giữa
tiếng vỗ tay ầm ĩ của một nhóm dân biểu, ông đã nói những từ cao đẹp: “Tự
do, bình đẳng và bác ái”.
Ngược lại, Baudrières bảo rằng dân da đen vẫn còn rất man rợ nên không
thể trao quyền bầu cử cho họ được. Ông nói thêm: vô luận thế nào đi nữa
cũng không thể tiến hành cuộc thí nghiệm nguy hiểm đó và nên tăng cường
số quân chiếm đóng vì có dấu hiệu bất an, phải đề phòng phiến loạn ở các
vùng ấy. Cũng như đối thủ, ông đã viện dẫn ý kiến của các nhà thám hiểm.
Trong phần kết luận, ông yêu cầu phải có đội quân viễn chinh mới và với
nhiệt tình yêu nước, ông tuyên bố rằng những phần đất chiếm được bằng
xương máu của người Pháp là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nhóm dân
biểu khác lại vỗ tay phản đối ông.
Bộ trưởng thuộc địa không biết phải đứng về phía diễn giả nhiệt thành
nào. Tin tức về làn sóng công phẫn và các vụ cướp bóc ở vùng Thòng lọng
Niger và Sénégambie làm ông lo ngại. Không hiểu sao dân cư bỏ đi cả làng,
đã xuất hiện những lời đồn đại khó hiểu về một quốc gia độc lập nào đó
đang bắt đầu hình thành tại một vùng xa lạ ở châu Phi.
Cuộc tranh cãi đang tiếp tục thì có một dân biểu vì quá mệt mỏi đã kêu to
lên giữa cảnh ồn ào:
— Nếu họ không thể thống nhất ý kiến với nhau được thì mặc cho họ tự
đi xem xét lấy!