năng tập trung gần như tất cả sóng về hướng tôi muốn. Mặt khác, phương
tiện thay đổi tần số dao động đã được biết đến nên tôi có thể hình dung ra
những chiếc máy thu sóng, chỉ cảm nhận tần số nhất định. Máy thu sẽ phản
ứng với các sóng có tần số đã thiết kế mà thôi. Số lượng các tần số có thể sử
dụng được là vô tận. Tôi có thể chế tạo vô số các động cơ mà trong đó sẽ
không có hai cái đáp lại cùng một sóng. Các ông vẫn hiểu đấy chứ?
— Hơi lờ mờ, – Barsac thú nhận. – Nhưng dần dần chúng tôi thấy hứng
thú hơn.
— Tuy nhiên, tôi kết thúc đây, – Camaret nói. – Chúng tôi đã vận dụng
điều này để chế tạo ra rất nhiều máy nông nghiệp, năng lượng truyền đến
cho chúng từ một pha sóng nào đó trên tháp. Chúng tôi điều khiển những
chú “ong vò vẽ” cũng theo cách này. Bốn cái chong chóng, cái nào cũng có
một động cơ nhỏ được điều chỉnh cho thích hợp với một sóng nhất định.
Bằng phương pháp này tôi có thể phá hủy toàn bộ thành phố, nếu như tôi có
ý nghĩ ngông cuồng đó.
— Từ đây ông có thể phá hủy thành phố?! – Barsac thốt lên.
— Rất đơn giản. Harry Killer đã đề nghị tôi làm thành phố kiên cố và tôi
đã thực hiện. Dưới tất cả các đường phố, nhà ở, dưới cung điện và dưới cả
nhà máy đều có chôn nhiều khối thuốc nổ với những kíp nổ được điều chỉnh
theo tần số mà chỉ mình tôi mới biết thôi. Để cho thành phố nổ tung, tôi chỉ
việc phát sóng có tần số xác định đến mỗi quả mìn là đủ.
Amédée Florence đang hý hoáy ghi chép vào sổ nhật ký, anh muốn hỏi,
có nên kết liễu cuộc đời của Harry Killer bằng cách này không, nhưng anh
đã kịp kiềm chế.
— Thế còn cột tháp? – Bác sĩ Châtonnay hỏi.
— Sóng Hertz rơi xuống đất như bị hút và mất đi ở đó. Phải phát ra từ
trên cao chúng mới đi xa được. Tôi muốn sóng chẳng những đi xa, mà còn
đi cao, đi cao lại khó hơn nữa. Dù sao tôi cũng đã làm được chuyện ấy nhờ
cột tháp gắn với máy phát sóng và gương chiếu trên đỉnh cột.
— Phát sóng lên cao để làm gì?
— Để gây mưa. Nguyên lý phát minh của tôi khi gặp Harry Killer là thế
này: nhờ cột tháp và gương chiếu, tôi phát sóng đến những đám mây đen và