vĩ Bắc thì anh ta sẽ thấy được cái mà không một nhà địa lý, nhà nghiên cứu
hay thương đoàn nào thấy được: một thành phố.
Vâng, một thành phố thực sự mà chẳng ai có thể ngờ, mặc dù dân số của
nó lên tới bảy nghìn tám trăm linh tám người, chưa kể trẻ em.
Nếu nhà thám hiểm giả định ấy hỏi một người dân về tên gọi của thành
phố thì có thể, tay đó sẽ trả lời bằng tiếng Anh: “BLACKLAND”. Song
cũng có thể bằng tiếng Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bambara. Dẫu
bằng tiếng gì, lời đáp vẫn chỉ có nghĩa là “Xứ đen”.
Người ta nói đủ mọi thứ tiếng trong cái thành phố hỗn độn này, dân số của
nó vào lúc đoàn Barsac gặp nạn ở Koubo, có sáu nghìn bảy trăm bảy mươi
tám người da đen và một nghìn không trăm ba mươi người da trắng thuộc đủ
các nước trên thế giới. Phần lớn đó là những tên phiêu lưu trốn tòa và trốn
tù, sẵn sàng làm những việc tồi tệ nhất. Do bọn đại diện của chủng tộc Anh
thống trị đám đông lố lăng ấy nên tiếng Anh chiếm ưu thế so với các thứ
tiếng khác. Mọi mệnh lệnh của Ông Chủ và tờ báo chính thức của địa
phương “Tiếng sấm Blackland” đều được in bằng tiếng Anh.
Báo này rất kỳ cục nếu xét theo các đoạn trích từ một vài số báo:
“Hôm qua, John Andrew đã treo cổ mọi da đen Koromoko vì tên này
quên đưa tẩu thuốc cho ông ta sau bữa ăn sáng”.
“Sáu giờ chiều mai sẽ phái đi Kourkoussou và Bidi mười tàu lượn cùng
với mười Chàng trai Vui tính dưới quyền chỉ huy của đại tá Hiram Herbert.
Cướp phá toàn bộ hai làng mà ba năm rồi chúng ta chưa đến thăm. Trở về
ngay trong đêm”.
“Chúng tôi đã thông báo: đoàn thị sát của Pháp do dân biểu Barsac dẫn
đầu sắp khởi hành từ Conakry. Rõ ràng đoàn có ý định đến Niger qua
Sikasso và Ouagadougou. Các biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng. Hai
mươi người của Đội vệ binh Đen và hai Chàng trai Vui tính lập tức lên
đường. Đại úy Edward Rufus như mọi người đều biết, là lính bộ binh thuộc
địa đào ngũ – sẽ đóng vai trung úy Lacour và sẽ sử dụng kiến thức quân sự
tuyệt vời của dân tộc Pháp để chặn Barsac lại bằng mọi cách. Dĩ nhiên, ông
ta sẽ không đến được Niger”.