Cái thật của cái giả
Cảm hứng đến từ đâu?
Câu hỏi này luôn xuất hiện vào thời điểm này hoặc thời điểm khác, trong
những cuộc gặp gỡ của tôi với các độc giả, các chủ hiệu sách hay các
phóng viên. Thế nhưng câu hỏi này lại không hề tầm thường vô vị như vẻ
bề ngoài của nó. Cuốn tiểu thuyết này, Cuộc sống bí mật của các nhà văn là
một hình thức trả lời khả dĩ, minh họa quá trình bí hiểm dẫn đến sự ra đời
của việc viết: mọi thứ đều có khả năng là nguồn cảm hứng và chất liệu của
hư cấu, nhưng không gì được tái hiện trong một cuốn tiểu thuyết đúng như
những gì ta đã nhìn thấy, trải nghiệm hay học được. Giống như trong một
giấc mơ kỳ lạ, mỗi chi tiết của thực tế có thể biến dạng và trở thành yếu tố
căn bản của một câu chuyện được thai nghén. Vậy nên, chi tiết này trở nên
mang tính tiểu thuyết. Luôn thật, nhưng hiện thực hơn.
Thí dụ, chiếc máy ảnh này, chiếc máy ảnh vì nó mà Mathilde ngỡ sẽ
vạch mặt được tên sát nhân, là chi tiết lấy cảm hứng từ một mẩu tin rao vặt.
Một chiếc Canon PowerShot được tìm thấy trên một bãi biển ở Đài Loan
sau khi trôi dạt suốt sáu năm trời từ Hawaii. Chiếc máy ảnh thật chỉ chứa
những bức ảnh chụp kỳ nghỉ. Chiếc máy ảnh trong tiểu thuyết thì nguy
hiểm hơn nhiều…
Một thí dụ khác, “Thiên thần tóc vàng”, nhan đề phần thứ hai của tiểu
thuyết, là biệt danh ngọt ngào mà Vladimir Nabokov đặt cho người vợ yêu
Véra của ông, trong một trong vô số những bức thư ông gửi cho bà. Chính
vẻ đẹp của những lá thư này, cũng như những thư đi tin lại khiến người ta
xáo trộn giữa Albert Camus và Maria Casarès, là thứ mà tôi nghĩ tới khi
viết phần trao đổi thư tín giữa S. và Nathan Fawles.
Về phần đảo Beaumont, đây là một hòn đảo hư cấu lấy cảm hứng một
phần từ thành phố Atherton lạ lùng cửa California, phần khác - hấp dẫn hơn
nhiều - từ Porquerolles, cũng như từ những chuyến đi của tôi tới Hydra,
Corse hay Skye. Những cái tên quán xá trên đảo, với trò chơi chữ đầy sáng
tạo (Les Fleurs du Malt, Bread Pit…), đến từ tên các quán xá tôi từng gặp
ở một khúc ngoặt lúc đang di chuyển hay đang tìm tòi nghiên cứu.