thiếu niên bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần. Thành công không đến
ngay tức khắc, nhưng chỉ sau vài tháng, nhờ những thông tin truyền miệng
- đặc biệt trong giới độc giả trẻ - cuốn tiểu thuyết đã vươn lên đứng đầu
danh sách sách bán chạy. Hai năm sau, với cuốn sách thứ hai nhan đề Một
thành phố nhỏ ở Mỹ, cuốn tiểu thuyết hợp xướng uyên bác dày ngót ngàn
trang, Nathan Fawles đã đoạt giải Pulitzer và nổi lên như một trong những
giọng văn độc đáo nhất của văn đàn Mỹ. Cuối năm 1997, lần đầu tiên tiểu
thuyết gia khiến giới văn chương sửng sốt. Sau khi định cư ở Paris, ông
xuất bản cuốn sách mới của mình trực tiếp bằng tiếng Pháp. Những kẻ bị
sét đánh là một câu chuyện tình đau thương đến xé lòng, nhưng cũng là
một suy tưởng về nỗi đau trước cái chết, cuộc sống nội tâm và quyền năng
của viết lách. Chính vào dịp này, công chúng Pháp đã thực sự khám phá ra
ông, đặc biệt khi ông tham gia một ấn bản đặc biệt của Nồi hầm văn hóa
cùng Salman Rushdie, Umberto Eco và Mario Vargas Llosa. Chương trình
hồi tháng Mười một năm 1998 này chính là hoạt động truyền thông áp chót
của ông. Quả nhiên, bảy tháng sau, khi vừa bước sang tuổi ba mươi lăm,
Fawles đã thông báo việc mình quyết định ngừng viết hẳn trong cuộc trả lời
phỏng vấn đầy sắc bén với hãng thông tấn AFP.
Kẻ ẩn cư trên đảo Beaumont
Kể từ ngày đó, nhà văn vẫn giữ vững quan điểm của mình. Sống trong
căn nhà riêng tại đảo Beaumont, Fawles không còn công bố bất kỳ bản thảo
nào dù ngắn nhất, cũng không đồng ý trả lời phỏng vấn bất cứ phóng viên
nào. Ông còn từ chối mọi đề xuất chuyển thể các tiểu thuyết của mình sang
lĩnh vực điện ảnh hoặc truyền hình (mới đây Netflix và Amazon tiếp tục
thất bại trong phi vụ này, bất chấp những đề xuất tài chính vô cùng hấp dẫn,
theo như lời họ).
Chẳng mấy chốc là tròn hai chục năm, sự im lặng chát chúa của “kẻ ẩn
cư trên đảo Beaumont” không ngừng nuôi dưỡng những ảo tưởng. Tại sao
Nathan Fawles lại chọn cách tự nguyện rời xa thế giới như vậy khi mới ba
mươi lăm tuổi, lại đang ở tột đỉnh vinh quang?