ấy một cách kỳ diệu, ông đã ghi lại điều không thể tưởng tượng nổi và vô
cùng khủng khiếp trong cuốn sách Bác sĩ ở Auschwitz, được xuất bản ở
Hungary ngay sau chiến tranh và ở Pháp năm 1961.
“Mengele làm việc không mệt mỏi. Ông ta dành hàng giờ để lúc thì chìm
đắm trong công việc, lúc thì đứng cả nửa ngày ở sân ga tập trung người Do
Thái, nơi mỗi ngày có bốn đến năm chuyến tàu chở người bị giam giữ từ
Hungary đến... Cánh tay của ông ta luôn vung về một phía: bên trái. Những
chuyến tàu chở đầy người được chuyển tới các phòng hơi ngạt và giàn
thiêu...
Mengele coi việc đưa hàng trăm nghìn người Do Thái tới phòng hơi ngạt
là một nghĩa vụ thể hiện lòng yêu nước.”
Trong lán thử nghiệm của trại giam người Di gan, “người ta thực hiện tất
cả các xét nghiệm y tế mà cơ thể con người có thể chịu đựng được trên
người lùn và các cặp sinh đôi. Lấy máu, chọc tủy sống, trao đổi máu giữa
các cặp sinh đôi, vô số xét nghiệm trên cơ thể sống gây mệt mỏi, làm suy
sụp tinh thần”. Để nghiên cứu so sánh các bộ phận của cơ thể, “các cặp sinh
đôi phải chết cùng một lúc. Họ chết như vậy ở một trong những lán của trại
Auschwitz, ở khu B, trong tay bác sĩ Mengele”.
Hắn tiêm cho họ vài mũi chloroforme vào tim. Các bộ phận được lấy ra,
gắn nhãn “quân dụng khẩn cấp”, rồi được gửi tới Viện Kaiser Wilhelm ở
Berlin, đứng đầu là giáo sư von Verschuer.
“Mengele được coi là một trong những đại diện sáng giá nhất của nền y
khoa Đức... Và công việc mà ông ta thực hiện trong phòng phẫu tích là
nhằm phục vụ cho tiến bộ của y học Đức.”
Khi dịch ban đỏ lan ra trong các lán nhốt người Do Thái ở Hungary,
“Mengele chỉ đạo đưa họ lên xe tải đến thẳng lò thiêu”.
Nyiszli bị vầng hào quang chết chóc của kẻ tra tấn mình ám ảnh: “Tâm
trạng vui vẻ, vẻ mặt tươi tắn che đậy sự tàn bạo của ông ta. Thái độ vô liêm
sỉ gây bất ngờ, ngay cả trong trại... Bác sĩ Mengele là một cái tên khủng
khiếp..., con người mà tất cả mọi người đều khiếp đảm nhất ở trại. Chỉ nghe
tiếng ông ta thôi, mọi người đều run sợ.”