4
Ở khách sạn Palermo, hắn ở chung trong một căn phòng không có chậu
rửa mặt, cũng không có khu vệ sinh, cùng với hai người bạn đường cười
nhạo hắn: Gregor dân vùng Nam Tyrol mà lại chẳng xổ được từ nào tiếng
Italia. Hắn nguyền rủa lựa chọn của mình nhưng cố kìm nén, đành ăn vài
khoanh xúc xích tỏi rồi lăn ra ngủ vì mệt mỏi, chiếc va li nhỏ được kẹp chặt
giữa bức tường và hắn, tránh sự thèm muốn của hai người kia.
Ngay buổi sáng hôm sau, hắn bắt tay vào việc. Hắn gọi điện thoại tới nhà
Malbranc nhưng không ai trả lời: hắn liền nhảy lên taxi, gửi chiếc va li nhỏ
ở nơi gửi hành lý của nhà ga rồi đi tới một con phố vắng vẻ ở khu Florida.
Gregor bấm chuông một ngôi biệt thự rộng lớn phong cách tân thuộc địa.
Một giờ sau, hắn quay lại và bấm chuông lần nữa, rồi lại gọi điện ba lần từ
một quán cà phê nơi hắn tạm lánh nhưng vẫn không có ai nhấc máy.
Trước khi rời khỏi Genova, Kurt đã đưa cho hắn thông tin về người thứ
hai có thể liên lạc ở Buenos Aires: Friedrich Schlottmann, một doanh nhân
Đức, chủ của một doanh nghiệp dệt may đang ăn nên làm ra. Năm 1947,
Schlottmann đã tài trợ cho một số nhà chế tạo máy bay và kỹ sư không quân
trốn thoát bằng đường qua các nước Bắc Âu. “Người đó rất quyền lực, ông
ấy sẽ giúp mày tìm được việc làm và bạn bè mới,” Kurt nói với hắn.
Tới trụ sở của công ty Sedalana, Gregor xin gặp Schlottmann nhưng ông
ta đang đi nghỉ cả tuần. Vì hắn cứ năn nỉ mãi nên một cô thư ký dẫn hắn đi
gặp người phụ trách nhân sự, một người Đức-Argentina mặc bộ vest cài
chéo và có dáng người khiến hắn khó chịu ngay lập tức. Gregor ứng tuyển
vào một vị trí quản lý nhưng gã trai tóc bóng dầu lại đề xuất cho hắn làm
một chân công nhân “rất cao quý”: chải số len được chở đến hằng ngày từ
Patagonie, đó là cái lệ cho những người mới từ tàu lên bờ. Gregor mím chặt
môi, hắn muốn ngoạm vào cổ tên chó đó. Hắn, con trai của một gia đình tử
tế, có hai bằng tiến sĩ nhân học và y khoa, mà lại phải chải với xoa những