XXVI
Tóm lại, ta tự đặt mình trong nỗi bất hạnh và đôi khi ta tự nhủ rằng
không đến nỗi nào. Ta hãy hút một điếu thuốc trong khi cái tên ngu ngốc
của đài phát thanh cứ nói về một tuyên bố quan trọng của một thủ tướng
quốc gia quan trọng. Thằng ngốc thưởng thức cái bản tuyên bố đó, tận
hưởng nó. Những tuyên bố quan trọng của họ đối với tôi chẳng là gì.
Những người chết trong tương lai sao mà năng động thế, thật hài hước.
Khi con mèo cái của tôi, cái con vật trí tuệ kém cỏi đó nhìn tôi trừng
trừng với một sự ngạc nhiên không đổi, tìm hiểu, rất quan tâm, vâng, thì đó
là mẹ đang nhìn tôi. Tôi có trở thành kỳ lạ không do cái chết mà tôi không
ngừng chấp nhận, mắt ngước nhìn trời đêm nơi đó một người quá cố tròn
trĩnh, mờ nhạt sáng lên, hiền và đầy tình mẫu tử? Từ sau cái chết của mẹ,
đôi khi tôi thích sống một mình trong nhiều ngày xa những người sống, bận
rộn một cách phi lý, tôi một mình như mẹ từng một mình trong căn hộ của
mẹ tại Marseille, một mình với ống điện thoại nhấc ra để cho bên ngoài
không xâm nhập vào nhà tôi cũng như không vào nhà mẹ, tôi một mình
trong căn nhà có sự hoàn hảo của cái chết và ở đó không ngừng sắp xếp
gọn gàng để tin rằng mọi việc tốt đẹp, một mình tôi trong căn buồng khóa
chặt, quá ngăn nắp và sạch sẽ với những cây bút chì xếp hàng dài theo thứ
tự từ lớn đến nhỏ trên cái nghĩa trang nhỏ bé bóng loáng của chiếc bàn.
Ngồi trước cái bàn đó, tôi nói chuyện với mẹ. Tôi hỏi mẹ xem tôi có phải
mặc áo khoác để đi ra ngoài không. “Có chứ, con yêu, như thế chắc chắn
hơn”. Nhưng chỉ là tôi nhại mẹ, bắt chước giọng nói của mẹ. Tôi muốn có
mẹ bên tôi, ngồi và thơm nức trong cái áo lụa đen của mẹ. Nếu tôi nói
chuyện lâu với mẹ, với lòng kiên trì, nhìn mẹ thật nhiều thì đột nhiên có thể
mắt mẹ sẽ sống lại một chút ít vì tình thương, vì tình mẹ con. Tôi biết rõ
ràng điều đó không đúng, tuy nhiên cái ý nghĩ đó ám ảnh tôi.