nhận được sẽ ít hơn. Vậy bạn nghĩ mọi người sẽ làm gì? Họ cố tình
giữ cho giờ làm việc của mình thật thấp để lấy chi phiếu phúc lợi
xã hội cao. Và lại một lần nữa, hai phẩm chất của người Mỹ − tinh
thần làm việc chăm chỉ và tự lực − lại thảm bại.
Khi bạn nhận ra rằng người thứ bảy đi ngang qua bạn trên phố
hiện đang nhận tem phiếu thực phẩm và rằng Obama đã đẩy chi
tiêu cho phúc lợi xã hội lên gần suýt soát 1.000 tỷ đô-la một năm,
bạn sẽ nhận ra một thực tế đau đớn đến phũ phàng rằng sự mở
rộng chóng vánh ngành phúc lợi xã hội của vị tổng thống này là một
phần của một nỗ lực lớn hơn nhiều nhằm “biến đổi nước Mỹ về
cơ bản” như lời của chính Obama thốt ra đầu nhiệm kỳ tổng thống
của mình.
Xin báo cho ngài một tin, ngài Tổng thống: nước Mỹ thích nước
Mỹ như những gì mà các vị quốc phụ đã dựng nên − như một quốc
gia trân trọng sâu sắc tinh thần làm việc chăm chỉ và tự lực. Tổng
thống tiếp theo mà nước Mỹ bầu chọn phải dốc hết sức mình
cho cuộc cải tổ nghiêm túc các chương trình phúc lợi xã hội mà sẽ
giúp đại tu toàn bộ hệ thống và rút lại những chính sách hỗ trợ công
cộng của Obama.
Chúng ta biết phải cải tổ các chương trình phúc lợi xã hội ra sao
bởi trước đó chúng ta đã từng làm việc này. Năm 1996, New Gingrich,
chủ tịch quốc hội khi đó, và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã thông qua
và hối thúc Tổng thống Clinton ký Đạo luật Cải tổ Phúc lợi Xã hội
năm 1996. Sau khi dự luật này được thông qua, tờ báo theo chủ nghĩa
tự do New York Times đăng một bài bình luận căng thẳng có tựa đề:
“Một ngày buồn cho trẻ em nghèo”. Như thường lệ, New York Times
không thể nào sai lầm hơn. Các kết quả tuy khốc liệt, nhưng cũng
tràn đầy hy vọng: số người nhận phúc lợi xã hội giảm 60%, 2,8 triệu
gia đình chuyển từ chỗ nhận phúc lợi xã hội sang chỗ có việc làm, và
1,6 triệu trẻ em thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.