Từ phúc lợi tới việc làm.
Bí quyết đưa đến thành công của Đạo luật Cải cách Phúc lợi Xã
hội 1996 là ở chỗ đạo luật này gắn phúc lợi xã hội với việc làm. Để
nhận được chi phiếu, bạn phải chứng tỏ rằng bạn đã đăng ký tham
gia các khóa đào tạo việc làm hoặc đã cố gắng tìm kiếm việc làm.
Nhưng khó khăn nằm ở chỗ: Đạo luật Cải cách Phúc lợi Xã hội 1996
chỉ giải quyết một chương trình, Hỗ trợ các gia đình có trẻ phụ thuộc
(AFDC - Aid to Families with Dependent Children), chứ không phải
76 chương trình phúc lợi xã hội còn lại, mà hiện đang rút túi của
người đóng thuế hơn 900 tỷ đô-la mỗi năm. Chúng ta nên lấy một
trang từ luật cải tổ năm 1996 và ốp vào các chương trình phúc lợi xã
hội khác. Phúc lợi cần phải có các ràng buộc đi kèm. Nói cho cùng,
nếu người nhận phúc lợi nhận tiền của chúng ta, thì chúng ta, người
dân, cần phải được quyền có tiếng nói về việc khoản tiền đó nên
được chi tiêu như thế nào.
Việc phải làm trước mắt là làm những gì mà chúng ta đã làm với
chương trình AFDC và gắn các đãi ngộ của chương trình phúc lợi xã
hội với việc làm. Đó chính là nội dung của Đạo luật Cải cách Chương
trình Phúc lợi Xã hội 2011 - do các nghị sỹ Đảng Cộng hòa Jim
Jordan ở Ohio, Tim Scott ở Nam Carolina và Scott Garrett ở New
Jersey đề xuất. Dự luật của họ, nếu có hiệu lực, sẽ đảm bảo rằng
các chương trình phúc lợi xã hội sẽ chỉ phục vụ cho những ai thật sự
cần đến chúng, giới hạn chi tiêu phúc lợi xã hội để ngăn chặn các
viên chức quan liêu mở rộng các chương trình một cách vô tội vạ, trao
cho các bang thêm thẩm quyền đối với chi tiêu cho phúc lợi xã hội,
ngăn chặn việc liên bang tài trợ tiền cho các ca phá thai thông qua
chương trình phúc lợi và tăng cường các yêu cầu về việc làm, cùng
nhiều cải cách khác. Đây là một kế hoạch nghiêm túc xứng đáng
được thông qua và được ký thành luật.