ra nó. Mọi sự không vận hành theo cách ấy. Tất cả những gì mà việc
tăng thuế lên các doanh nghiệp làm được là buộc các chủ doanh
nghiệp phải cắt giảm những nhân viên mà họ không còn đủ khả năng
chi trả nữa. Và điều này cũng đẩy giá cả tăng lên, khuyến khích các
nam, nữ doanh nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh của họ (và
các công ăn việc làm) sang những nước có thuế suất và chi phí hợp
quy thấp hơn hẳn, và đẩy người ta đến chỗ lao vào các mánh trốn
thuế.... Và ngày nay chỉ với một cú nhấp chuột, ai cũng có thể dễ
dàng thuê các lao động nước ngoài. Trong thế giới internet tốc độ
cao, băng thông rộng của chúng ta, những rào cản kinh doanh “phải
có văn phòng làm việc” xưa cũ đã biến mất rồi. Nghĩa là ngày nay
tư bản có thể đảo chiều quay ngay lập tức để tránh các thứ thuế và
quy định đang ngày một tăng của chính phủ.
Obama không phải là người duy nhất mù tịt về hiện trạng thuế
má ở Mỹ. Thực tế là, nhiều người đã tin những lời dối trá theo tinh
thần tự do mà người ta đã nói với chúng ta hàng thập niên. Lời dối
trá đầu tiên là về việc tầng lớp trung lưu và tầng lớp thấp hơn
phải gánh phần lớn gánh nặng thuế và để giới nhà giàu trốn thuế
như thế nào. Nếu người ta chịu dừng lại và nghĩ xem điều này điên
rồ như thế nào, hẳn họ sẽ thấy rằng chính quan niệm ấy đã bất
chấp các quy luật toán học. Trước hết, một nửa dân số nước Mỹ
thậm chí còn không đóng một xu nào trong các khoản thuế thu nhập
liên bang. Có thể điều này làm bạn sốc, nhưng đó là sự thật. Đó là
một trong những lý do khiến việc chi tiêu liên bang tăng vùn vụt lại
nguy hiểm đến thế: Một nửa đất nước sẽ nhún vai và nói “Ai thèm
quan tâm? Họ đâu có tiêu tiền của tôi đâu.” Vì vậy, ý kiến cho
rằng tầng lớp thấp hơn đang chung vai gánh vác gánh nặng thuế
là phi lý, vì nửa dân số Mỹ nằm dưới không hề trả một đồng
thuế thu nhập liên bang nào.