Bạn có chín đứa con thơ cùng một người mẹ già yếu, và hậu quả của hành
động đứng lên tố cáo là tương lai các con bạn sẽ bị đe dọa. Ước mơ bước
chân vào đại học của chúng sẽ tiêu tan – thậm chí việc lo cơm ăn áo mặc cho
chúng giờ đây với bạn cũng là cả một sự khó khăn. Vậy là bạn gặp mâu
thuẫn nghiêm trọng giữa trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm với
người thân. Bạn cảm thấy mình cũng dự phần vào tội ác này, và nếu không
làm gì, bạn sẽ là kẻ gây tội: hàng nghìn người sẽ chết do chất độc mà công
ty lẳng lặng thải ra. Sống đạo đức đi đôi với một cái giá rất đắt mà người
khác phải trả.
Trong một bộ phim về James Bond là Spectre (Tổ chức bóng ma), điệp viên
Bond phải chiến đấu – một mình, trong vai trò người tố cáo – chống lại một
âm mưu của các thế lực đen tối đang kiểm soát toàn bộ cơ quan tình báo
Anh Quốc, bao gồm cả các lãnh đạo trực tiếp của anh. Khi anh lên tiếng nhờ
Q, người đã chế tạo chiếc xe mới và các thiết bị khác cho anh, Q trả lời:
“Tôi có một món nợ thế chấp và hai con mèo” – tất nhiên đó chỉ là câu nói
đùa, bởi về sau ông sẽ mạo hiểm tính mạng hai con mèo của mình để chiến
đấu với kẻ xấu.
Xã hội thích các vị thánh và các vị anh hùng sống độc thân, để họ bị áp lực
gia đình đẩy vào cái nan đề của việc phải thỏa hiệp các nguyên tắc đạo đức
của bản thân để nuôi nấng con cái. Toàn bộ nhân loại, một khái niệm có vẻ
trừu tượng, trở thành gia đình của họ. Một số thánh tử đạo, như Socrates, có
con nhỏ (mặc dù lúc đó ông đã vào tuổi thất thập), nhưng vẫn vượt qua được
nan đề này với cái giá họ phải tự trả
. Nhiều người không làm được điều
đó.
Trong suốt lịch sử, điểm yếu của những người chủ gia đình luôn bị lợi dụng
rất nhiều. Một samurai phải để lại gia quyến ở Edo
để bảo đảm rằng họ sẽ
không chống lại các lãnh chúa của mình. Người La Mã và người Hung Nô
thực hiện trao đổi với nhau những “thực khách” dài hạn, đó là con cái của
các vị vua ở cả hai phía, họ lớn lên ở triều đình nước ngoài, sống cảnh cầm
tù trong nhung lụa.