Đấy, tôi đã phê bình gắt gao một lúc cả hai vở kịch của các nhà văn tôi
quen. Nếu bây giờ tôi đang đứng trên diễn đàn của một hội nghị nhà văn
nào đó, thì chắc từ lâu tôi đã nghe những tiếng la ó: “Nói về mình đi chứ!
Tự phê bình xem nào!”
Vậy thì tôi sẽ nói về mình thế nào? Tôi đã cảm thấy sung sướng nếu lúc
này tôi chỉ phải nhận lỗi lẩm trong những sai sót của nghề viết văn như tôi
vừa kể. Nhưng tôi đã phạm phải một tội lỗi mà đặt bên cạnh nó tất cả những
sai sót đại loại như về “bông”, “đánh cá” vừa rồi đều trở thành một thứ
nghịch ngợm của trẻ con, không đáng gì phải nói. Lúc còn trẻ, tôi đã có một
hành động mà mỗi khi nhớ lại tôi thấy thật nặng nề.
Sau này bạn bè tôi đã chửi tôi rất nhiều, rất lâu và đó là một sự trừng phạt
đối với tôi. Nhưng sự trừng phạt lớn nhất là từ chính bản thân tôi và có lẽ
không bao giờ có ai trừng phạt tôi nặng nề hơn.
Bố tôi đã nói: nếu đã gây ra một hành động xấu xa, nhục nhã, thì dù sau
này có hối hận đến đâu, cũng không thể xóa đi được hành động đó,
Bố tôi còn nói: người nào phạm phải điều xấu xa, sau đó vài năm lại tỏ ra
hối hận thì cũng giống như người định xóa món nợ cũ bằng thứ bạc lưu
hành từ trước khi đổi tiền.
Bố tôi còn nói; nếu anh đã cho phép cái ác làm tất cả những gì nó muốn
và thả rông nó ra khỏi nhà mình, thì việc quất vào chỗ cái ác vừa ngồi còn
có nghĩa gì nữa?
Việc gì phải lấy khóa to tướng mà khóa chuồng lại sau khi đã xua hết bò
đi?
Mọi chuyện là như thế. Và tôi biết rằng sau khi đánh nhau người ta
không lấy nắm đấm mà vẫy nhau. Nhưng các độc giả của tôi sẽ lại viết thư,
sẽ nhắc nhở, khơi lại vết thương. Tưởng như họ ném đá vào cửa sổ của tôi
và nói:
- Ra đây, ló mặt ra đây, Raxun Gamzatốp. Hãy kể cho độc giả chúng tôi
nghe xem mọi chuyện đã xảy ra vì sao và như thế nào!