Hình dáng của nó hao hao giống một cầu thang, khu vực trong sương mù
ở độ sâu chín mươi mét phía dưới con đập chính là “bậc thang” thứ nhất, độ
dài của “bậc thang” một này là năm trăm đến một ngàn mét. Phương pháp
đo đạc mà họ sử dụng là phương pháp trắc địa parabol, đây là phương pháp
sử dụng pháo truy kích bắn xuống các góc khác nhau, sau đó đo tầm bắn đại
khái của đạn pháo và thời gian nghe thấy tiếng nổ - cũng chính là thời gian
tiếp đất - để tính ra độ sâu ước chừng của vực đá.
Chín mươi mét không phải khoảng cách sâu lắm, với kĩ thuật dò quặng
hiện nay thì thậm chí chỉ cần dùng dây thừng là có thể xuống được tới nơi.
Họ cảm thấy, tín hiệu điện báo có lẽ phát ra từ dưới lòng đất. Có lẽ quân
Nhật đã đặt thiết bị ở đó, còn nhiệm vụ mới của chúng tôi là xuống “bậc
thang” thứ nhất để thăm dò sơ bộ. Ngoài nhiệm vụ này ra còn phải ra rìa
của “bậc thang” để thăm dò thông tin chính xác của “bậc thang” thứ hai và
xem có tồn tại khả năng xuất hiện đường nứt thứ ba hay không. Từ đó, lãnh
đạo mới cân nhắc được chuyện đưa lính công binh xuống.
Anh Điền đưa ra suy đoán, giả sử hang động này vốn là huyệt động
nguyên thủy, thời kì đầu, có lẽ nó không rộng như bây giờ và nằm chìm
trong địa tầng giống như một bóng khí lớn.
Hiện tượng sụt lở xung quanh bóng khí dường như khiến bóng khí bắt
đầu phình to và ăn ruỗng vách đá xung quanh. Chẳng bao lâu sau, mức độ
sụp lún ở bốn phía diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Đầu tiên các lỗ khí
xuất hiện do sụt lở sẽ to lên một cách nhanh chóng, rồi nó to mãi cho đến
khi đạt đến mức độ ổn định thì mới dừng lại.
Sau đó, những huyệt động mới hình thành xung quanh hang động
nguyên thủy lại bắt đầu tiếp tục ăn ruỗng các vách đá xung quanh và bành
trướng một vòng mới, chu trình ấy không ngừng lặp đi lặp lại rồi dần dần
hình thành nên một khoảng hư không khổng lồ như bây giờ.