rừng và vội chạy đến chỗ chúng ta ngay. Đồng thời, chúng ta sẽ tự săn bắn,
hái quả khô, dự trữ đủ thức ăn để chuẩn bị cho chuyến hành trình dài ngày.”
Tôi nghĩ, Vương Tứ Xuyên nói cũng đúng, tình trạng hiện giờ của chúng
tôi quả thực không thích hợp để đi đường dài.
Trước đây tôi đi rừng, tuy phải hành quân suốt thời gian dài, nhưng luôn
duy trì ba đến bốn ngày đường là đến trạm bổ sung gần nhất, hơn nữa lại
còn có la và lừa giúp vận chuyển vật tư.
Tính chất của cuộc hành trình lần này hoàn toàn không giống lần đó,
chúng tôi không có súng, Vương Tứ Xuyên đành ném lao, đặt bẫy săn bắt
mấy loại thú nhỏ như gà rừng, thỏ rừng, mỗi lần đều tốn cả nửa ngày trời.
Nếu cứ vừa săn bắn vừa vội lên đường như thế thì phải rất lâu sau chúng tôi
mới có thể thoát ra khỏi rừng. Nếu giữa đường mà Vương Tứ Xuyên mắc
bệnh hoặc bị thương thì chúng tôi chết chắc.
Nhớ lại thì chúng tôi bắt đầu vào rừng từ giữa thu, nghỉ ngơi chuẩn bị
hơn một tháng, tiết trời lúc đó đã chuyển lạnh, sau đó lại đọa đày suốt mấy
tháng trong hang động, tính từ đầu đến giờ thì có lẽ lúc này đang là mùa
xuân năm 1963.
Tôi tin và làm theo kế hoạch của Vương Tứ Xuyên. Chúng tôi không
muốn lãng phí thời gian thêm nữa.
Chúng tôi chuyển chỗ cắm trại đến doanh trại của quân Nhật, dẫu hoang
tàn nhưng dù sao cũng còn có mái che. Tối hôm đó, Vương Tứ Xuyên đốt ít
cỏ cây thành tro và cố thử nhổ viên đạn ra cho tôi nhưng không thành công,
cuối cùng cậu ta đành dùng đầu cài của thắt lưng cạy viên đạn ra. Cơn đau
khi ấy còn đau hơn cả lúc bị trúng đạn, không một từ ngữ nào đủ sức hình
dung nỗi đau đớn mà tôi phải chịu đựng.