trấn ấy là trấn Hà Tiên, trao Cửu làm chức Tổng binh, ban cho ấn và thao.
Lại sai nội thần tiễn Cửu ra ngoài cửa thành. Ai cũng cho là vinh dự.
Cửu về trấn, dựng thành quách, lập doanh ngũ, đặt liêu tá, làm nhiều nhà
khách để đón tiếp hiền tài. Dân đến ở ngày càng đông, Hà Tiên trở thành
một đô hội nhỏ.
Trước đó, mẹ Cửu là Thái thị nhớ con ngày một tha thiết, bèn từ Lôi Châu
vượt biển đến; Cửu phụng dưỡng đầy đủ, ở đã được lâu. Một hôm, bà mẹ
vào chùa Tam Bảo, cúng lễ Phật ngồi nghiễm nhiên trước Phật mà hóa.
Cửu nhân đó đúc tượng bà mẹ, đặt vào khám ở chùa mà thờ. Tượng ấy đến
nay vẫn còn.
Năm Ất Mùi (1715) mùa xuân, Chân Lạp Nặc Thâm đem quân Xiêm đến
đánh Hà Tiên, Cửu chống cự không nổi, chạy ra giữ Lũng Cả. Nặc Thâm
cướp lấy của cải đồ vật rồi đi. Cửu liền về Hà Tiên, đắp thành, đặt nhiều
điếm canh, làm kế phòng thủ nghiêm ngặt.
Túc Tông Hoàng Đế, năm thứ 10 Ất Mão (1735), mùa hạ, Cửu ốm chết, thọ
hơn 80 tuổi, được tặng phong Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân
Vũ nghị công. Con là Thiên Tứ.
Tự là Sĩ Lân, là con trưởng Mạc Cửu. Lúc sắp sinh đã có điềm lạ. Trước
đó, chỗ Cửu ở là đất Lũng Cả, trong sông tự nhiên nước vọt lên, rồi xuất
hiện một tượng vàng bảy thước, ánh sáng tỏa trên mặt nước. Sư người Man
trông thấy, lấy làm lạ nói với Cửu: "Đấy là điềm nước có người hiền, phúc
đức không sao lường được". Cửu sai người đi rước tượng vàng ấy lên,
nhưng làm trăm cách cũng không lay chuyển được. Bấy giờ mới làm chùa
nhỏ ở bờ sông để thờ. Thiên Tứ cũng sinh nhằm năm ấy, người ta truyền
nói là "bồ tát hiện thân".
Thiên Tứ từ bé đã thông minh, nhanh nhẹn, học rộng kinh điển, hiểu thông
võ lược. Túc Tông Hoàng Đế năm thứ 11 Bính Thìn (1736), mùa xuân,
chúa cho Thiên Tứ làm Đô đốc trấn Hà Tiên, ban cho 3 chiếc thuyền "Long
bài" được miễn thuế. Lại sai mở lò đúc tiền để tiện cho việc mua bán. Thiên
Tứ bèn chia đặt nha thuộc, tuyển quân lính, đắp thành quách mở rộng phố,
chợ. Thương nhân và lữ khách các nước tụ họp đông đúc. Lại chiêu tập
những người văn học bốn phương, mở Chiêu Anh Các hàng ngày cùng