có phúc, gặp hoạn nạn mà được an toàn đó sao ?". Bèn mở tiệc ăn mừng,
vui đến kỳ cùng mới thôi. Rồi gia phong Thăng làm Quốc thúc Chưởng cơ
Quận công, ân lễ rất hậu. Tôn Thất Liêm cũng được làm Khâm sai, Cai đội.
Năm Tân Dậu (1801) mùa xuân, Thăng từ Gia Định được triệu đến hành tại
theo ngự giá đi thu phục Kinh thành cũ (tức thành Phú Xuân). Mùa đông
năm ấy, Nguyễn Quang Toản vào lấn cướp Động Hải (Đồng Hới), vua đi
thân chinh, Thăng ở lại giữ kinh thành. Gia Long năm thứ nhất, Nhâm Tuất
(1802) vua đưa đại quân đi Bắc phạt, Thăng cùng Nguyễn Văn Khiêm lưu
lại ở Kinh, được phép tùy nghi làm việc. Sau đó Thăng coi việc Tôn nhân
phủ, thường liệt kê các hệ trong họ Tôn thất dâng lên, xin cho những tôn
thất từ 8 tuổi trở lên, 12 tuổi trở xuống, đều được cấp lương, cho vào giám
học. Vua ưng cho. Năm thứ 16 Đinh Sửu (1817), vua phong Thăng làm
Phúc Long Công, ban cho sách, ấn, mũ, áo. Năm thứ 18 (1819) mùa hạ,
Thăng mất thọ 58 tuổi.
Thăng là chỗ rất thân trong họ nhà vua, được yêu quý không ai bằng. Vua
thường gọi là Quốc thúc mà không gọi tên. Mỗi khi Thăng vào chầu riêng,
vua bèn đứng dậy đón mời ngồi lên giường ngự, Thăng cố từ chối mà rằng:
"Trời không có hai mặt trời, thần là Thăng đâu dám ngồi ở đấy". Vua sai
trải chiếu xuống đất cùng ngồi. Lúc Thăng ra về, vua đứng dậy tiễn. Vua
đốới Thăng, lễ đãi càng hậu, Thăng giữ lễ càng kính cẩn, hơn 20 năm vẫn
như một ngày. Quận công Nguyễn Văn Nhân và Lê Văn Duyệt thường nói
với nhau rằng: "Cái ân hoàng thượng ta thân với người thân, cái đức Quốc
thúc khiêm thật là khiêm xưa nay đều ít có". Đến bấy giờ Thăng mất, vua
thương xót không thôi, cho dùng tang lễ thân vương theo chế độ, nghỉ chầu
5 ngày, đặt tên thụy là Hòa Tĩnh, chi tiền cho sắm sửa việc tang, sai hoàng
tử Định Viễn công Bính đến dự tế. Vua lại bảo bộ Lễ rằng: "Quốc thúc kể ở
nhà là bậc kỳ đức, kể ở nước là hạng nguyên thần, nay không may mất đi,
con còn bé, đến khi lớn tuổi sẽ bàn cho tập ấm để nối mãi việc tế tự".
Thăng có 4 con trai: Thạnh, Vĩnh, Tường, Thùy. Con trưởng là Thạnh chết
sớm. Con thứ hai là Vĩnh, thời Minh Mạng được tập phong Phúc Long
Hầu. Tường và Thùy đều được ấm thụ Trợ quốc lang.
TRUYỆN CÁC CÔNG CHÚA