giết. Đầu thời trung hưng, đặt tên thụy là Hiếu Huệ Vương, thờ ở án thứ 6
trong Thái miếu Gia Định. Gia Long năm thứ 3 (1804) đổi thụy là Cung
Mẫn Anh Doãn Huyền Mặc Vĩ Văn Mục Vương. Năm thứ 8 (1809) đem
hài cốt về xây mộ ở Long Hồ, thờ chung vào viên tẩm Tuyên Vương(41).
Cấp tự điền cho 2 vương 100 mẫu, cho Tôn Thất Diệu làm Cai đội giữ việc
thờ cúng. Minh Mạng thứ 6 (1825) bãi bỏ tự điền, cấp tiền để chi việc thờ
cúng.
Hoàng tử thứ 10: An.
Lại có tên là Chiêu. Mẹ là Đặng thị. An ban đầu làm Thủy cơ Cai đội. Năm
Nhâm Thìn (1772) mùa xuân, An mất, thọ 33 tuổi, được tặng là Cai cơ. Có
3 con trai là Bính, Chương và Thân. Bính và Chương đều có truyện riêng.
Hoàng tử thứ 11: Tuấn.
Lúc bé tên là Đá, Tuấn là em cùng mẹ với hoàng tử Kính. Năm Giáp Thân
(1764) mùa hạ, Tuấn mất, mới 23 tuổi, được tặng Cai đội. Không có con.
Hoàng tử thứ 12: Yến.
Lại có tên là Viêm, tiểu danh là Suối, là em cùng mẹ với hoàng tử Kính.
Năm Giáp Ngọ (1774) làm Tiết chế Chưởng doanh Quận công. Năm Bính
Thân (1776) mùa hạ, Yến mất, năm ấy 34 tuổi. Có 3 con trai là Hán, Tấn và
Hoảng.
Hoàng tử thứ 13: Đạn.
Lại có tên là Trường. Mẹ là Trần thị. Năm Giáp Ngọ (1774) làm Tiết chế
Chưởng doanh Quận công. Năm Bính Ngọ (1786) mùa xuân, Đạn mất, năm
ấy 43 tuổi. có 2 con trai là Thự và Cẩn.
Hoàng tử thứ 14: Quyền.
Sinh mẫu là ai, không rõ. Năm Ất Mùi (1775) mùa đông, cùng em là Xuân,
đến Quảng Nam dấy quân đánh giặc, dùng Trương Phúc Tá làm mưu sĩ.
Lại được lái buôn nhà Thanh, tên là Tất, đem gia tài hàng ức vạn giúp cho.
Quyền chiêu tập quân nghĩa dũng giữ 2 phủ Thăng, Điện, binh thế lừng lẫy.
"Giặc" Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc dốc quân ra chống đánh, hai bên cầm
cự nhau đến hơn hai tháng. Gặp năm mất mùa kém đói, quân thiếu lương
ăn "giặc" thừa thế tiến đánh, quân Quyền bị vỡ, Quyền đi đâu mất không ai
biết. Em là Xuân có truyện riêng.