ĐẠI NAM LIỆT TRUYỆN - TẬP 2 - Trang 484

Vọng Các. Người trong thành mở cửa đón vào. Trịnh Quốc Anh nghe tin có
biến trốn vào chùa thờ Phật, Oan Sản bắt giam lại, báo ngay cho Chất Tri
về nước. Chất Tri được tin báo, cho là đã cùng với Hữu Thụy nghị hòa,
không còn lo về sau nữa, bèn đi luôn mấy đêm, đem binh về thành Vọng
Các. Khi sắp đến, mật sai người giết Trịnh Quốc Anh mà đổ họa cho Oan
Sản, kể rõ tội ác, trách về tội làm loạn, xích giam nhà riêng, rồi giết chết.
Bèn hiếp ức mọi người, tự lập làm vua nước Xiêm La, gọi là Phật vương
(tục nước Xiêm trọng đạo Phật, cho Đại vương là Phật vương), phong cho
em là Sô Sy làm Nhị vương, cháu họ là Ma Lạc làm Tam vương, nạn dân
nước ta trước đây bị Trịnh Quốc Anh bắt dời đi nơi khác, đều cho về thành
Vọng Các , cấp bạc và gạo để nuôi đầy đủ. Mùa thu năm ấy, vua sai Cai cơ
là Lê Phúc Diễn và Tham mưu là Lê Phúc Bình đến thông hiếu.

Giáp Thìn Năm thứ 5 (1784), tháng 2, vua sang Xiêm trú chân ở thành
Vọng Các, người Xiêm đón mừng ủy lạo hết lễ, nhân hỏi năm xưa cùng với
Nguyễn Hữu Thụy giảng hòa, lại có ước thề hoạn nạn cùng cứu nhau. Ngày
nay xin ra sức giúp, hẹn ngày ra quân. Tháng 6, vua nước Xiêm sai cháu là
Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 20.000 thủy binh và 300 chiếc thuyền chiến
để giúp. Quân Xiêm đến đâu cướp bóc đến đấy, lại không rõ địa thế chỗ
hiểm chỗ dễ, bị phục binh của Tây Sơn đánh úp bị tan vỡ chạy cả. Vua lại
sang Xiêm. Năm Đinh Mùi thứ 8, tháng 7, vua từ nước Xiêm trở về, người
Xiêm từ sau năm Giáp Thìn bị thua đau, miệng dẫu còn nói khoác, mà
trong bụng vẫn sợ Tây Sơn như cọp. Vua suy xét trong lòng biết họ không
thể giúp được, mà nếu có giúp cũng vô ích. Bấy giờ quyết kế trở về. Nhân
ban đêm để lại tờ thư cảm tạ ở nơi hành tại, rồi xuống thuyền chở ra cưea
biển Bắc Nòm. Đến sáng người Xiêm mới biết, đi thuyền nhẹ đuổi theo
nhưng không kịp, rồi về.

Năm Mậu Thân thứ 9 (1788), lấy lại Gia Định, vua cùng nghĩ đến tình lân
hiếu. Từ đó thường sai người đưa, cho quà cáp và đem tin thắng trận báo
cho biết. Người Xiêm mỗi khi thấy sứ ta đến cũng đem phương vật đưa
dâng. Năm Kỷ Dậu thứ 10, người Xiêm bị đói kém, xin đong gạo của ta.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.