Xiêm lấy làm tin không phòng bị, A Nỗ nhân sơ hở đánh úp giết tướng sĩ
Xiêm hơn hai trăm người. Xin sứ thần đem việc ấy về tâu. Hy nói: Chuyến
đi này chỉ vì sửa hòa hiếu mà tới đây, đi sứ về phục mệnh, há nên nói
phiếm việc khác. Được vài ngày, vua Xiêm lại triệu bọn Hy vào bảo rằng:
Trước đây A Nỗ tự khởi hấn trước, lại nói là Xiêm bức bách, Hoàng đế nói
là nói dối, thực là sáng suốt. Nghe đâu có sắc dụ cho A Nỗ sai người đến
Xiêm tạ lỗi, về nghĩa yêu nuôi nước nhỏ, hòa mục với nước láng giềng có
thể bảo là được vẹn tình cả hai. Thế mà A Nỗ về nước, lại dùng kế đánh úp,
không những gây oán với Xiêm, mà còn phụ đức ý của triều đình rất nhiều.
Sứ thần về triều, nên tâu để hoàng đế biết, chớ tin lời nói của A Nỗ.
Bọn Hy nói rằng: Việc nước Vạn Tượng, không có chỉ hỏi đến thì không có
tâu nhàm làm rườm tai Hoàng đế. Vua Xiêm thăm hỏi: Năm ngoái sứ Cao
Man đến nước Xiêm, có sai Phi nhã là Phật Lăng đem việc Vạn Tượng gửi
thư cho Gia Định, nhờ sứ thần Cao Man chuyển giao cho quan bảo hộ đề
đạt lên hộ nhưng quan bảo hộ lại khước từ không nhận, có phải là lễ
không? Hy đáp: Hai nước vẫn đôn đốc việc lân hiếu, nếu có việc phải đưa
thư, sai người mang đến mới phải, lại gửi sứ Cao Man, đối với l không nên
đơn giản sơ suất như thế … Huống hồ nhân thần theo nghĩa không nên giao
thiệp riêng với nhau, biên thần khước từ là phải lễ. Lại hỏi năm ngoái
thuyền nước Xiêm đến Hà Tiên, nghe nói viên trấn thần bức bách phải kê
báo, một cái thuyền mà phí tổn đến vài trăm quan là thế nào? Đáp rằng:
Không bao giờ có việc như thế, chẳng qua người kiếm chuyện bịa đặt mà
nói ra đó thôi. Vua Xiêm lại nói: Vốn muốn sai sứ thông hiếu, chỉ vì quan
bảo hộ không muốn nhận tờ thư, mà Hà Tiên lại bắt giữ người buôn, sợ sứ
giả có tới, hoặc bị bắt giam lại thì có hại đến tình lân nghị, nên sau không
dám sai đi. Từ nay về sau, hai nước đi lại, nếu có việc gì không hợp lẽ,
cũng nên châm chước cho, chớ nên câu nệ, thời đạo lân hiếu mới được toàn
vẹn. Lại hỏi: A Nỗ khởi hấn như thế là thuận hay nghịch, nên đánh hay nên
tha. Đáp: Lấy nước nhỏ thờ nước lớn là thuận, làm kẻ dưới bội nghịch
người trên là nghịch, thuận thì vỗ về yên lấy đức, nghịch thời ra oai cho sợ.
Nước Vạn Tượng đối với nước tôi chỉ thấy kính thuận, mà đối với nước