Năm thứ 9, (1810) mùa xuân, Nhân bị bệnh, vua sai trung sứ đi ban cho ba
cân nhục quế; hơn một tháng, Nhân khỏi bệnh, dâng sớ trân tình tạ ơn. Mùa
đông năm ấy, quân nước Xiêm xâm lấn Cao Miên; Nhân đem quân đi đến
biên giới, quân nước Xiêm rút lui bèn đem quân về.
Năm thứ 10, (1811) vì ốm yếu, xin trả lại chức Tổng trấn thành Gia Định,
vua y cho. Đến khi khỏi bệnh Nhân lĩnh chức như cũ.
Năm thứ 11, (1812), mùa xuân, quân nước Xiêm chiếm cứ thành La Bích;
Quốc vương Cao Miên là Nặc Chân đem gia quyến chạy sang (nước ta).
Nhân sai Nguyễn Văn Thụy đem quân đi hộ vệ Chân về Gia Định, và đem
việc ấy tâu lên, tướng nước Xiêm là Ma Lặc tặng Nhân súng, gươm, Nhân
từ chối không nhận, lại xin đến Ba Thắc vận tải muối, Nhân cũng không
cho. Tướng nước Xiêm vì lý khuất, việc xin mới thôi. Sau Nhân được về
kinh; Vua cho Lê Văn Duyệt thay làm tổng trấn.
Năm thứ 12, (1813) mùa hạ, vua đi chơi Quảng Nam. Nhân cùng Phạm
Văn Nhân ở lại giữ kinh thành.
Năm thứ 14, (1815) Lễ ninh (57) lăng Cao hoàng hậu (58), Nhân sung làm
Phó tổng hộ sứ.
Năm thứ 15, (1816) mùa hạ, Nhân được điều bổ Chưởng hữu quân, kiêm
Thự trung quân ấn vụ.
Năm thứ 16, (1827) vua bèn bắt quân dân nước Cao Miên khai đào dòng
sông Châu Đốc, Nhân can rằng: Việc khai sông, công trình trọng đại, nay
dân nước Phiên mới phụ thuộc, nếu việc thổ mộc làm khó nhọc luôn, thần
sợ tất chúng sẽ kinh động mà việc khó thành, xin tạm bãi đi. Vua theo lời
ấy.
Năm thứ 18, (1819) Nhân lại lĩnh ấn Tổng trấn Gia Định. Mùa đông năm
ấy, Thế Tổ lên chầu trời, Thánh Tổ (Minh Mạng) nối ngôi.