ĐẠI THỪA VÀ SỰ LIÊN HỆ VỚI TIỂU THỪA - Trang 11

3) Vị trí của hàng cư sĩ chưa được xác định. Các cư sĩ hình như chỉ đóng
vai trò hộ trì Tăng già hơn là một thành phần của Giáo hội. Các vị này chỉ
kính ngưỡng đức Phật và các đệ tử của Ngài, nghe các vị này diễn giảng,
giữ gìn một số giới luật, và gặp dịp tụng đọc lời quy y Tam bảo, hình thức
độc nhất phân biệt một đệ tử đức Phật với các người khác. Tuy vậy vị trí xã
hội của các cư sĩ không thay đổi, vì vẫn tiếp tục thuộc thành phần xã hội
trước khi trở thành Phật tử. Ở Ấn Ðộ, vị trí xã hội thường hay tùy thuộc với
tôn giáo.

4) Tôn giáo với toàn nghĩa của nó chỉ dành riêng cho những vị xuất gia, trở
thành một tu sĩ, gìn giữ giới luật Pàtimokkha (Giới bổn). Cư sĩ không thể
giữ chu toàn giới bổn. Cho đến 10 giới cũng khó giữ cho đầy đủ.

5) Các tập Pàramità (Ba-la-mật) chưa được biết đến. Ðời sống đức Phật
thường bắt đầu khi Ngài xuất gia cho đến khi giác ngộ Bồ đề, thỉnh thoảng
có nói đến đời sống trước của Ngài, như trong kinh Mahàgovinda hay
Mahàsudassana. Quan điểm đời sống của một vị Bodhisattava (Bồ-tát) thực
hành các hạnh Ba-la-mật còn rất mù mờ, nếu không phải là không được
biết đến.

6) Các tập Jàtaka (Bổn sanh), một trong chín Anga (Chín Bộ kinh) chỉ nói
một vài vài mẩu chuyện liên hệ đến đời sống tiền thân của đức Phật, như
được tìm thấy trong kinh Mahàgovinda, Mahàsudassana, Makha Deva và
các Jàtaka khác, như ông Rhys Davids đã sưu tầm trong các tập Nikàya và
Vinaya. Nhưng các chuyện tiền thân này chưa được tập hợp thành một tập
riêng diễn tả các hạnh Pàramita (Ba-la-mật) của vị Bồ-tát.

7) Ðức Phật là một người nhưng toàn tri, có thần thông và chứng được
nhiều quả vị, các loại chúng sanh khác không chứng được. Sự xuất hiện
một đức Phật rất là hiếm có trong đời và trải qua nhiều kiếp mới có một vị
xuất hiện.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.