trái lẽ hại đạo khó mà kể hết, xin trình bày sáu việc sau: 1- Xin sửa đức để
cầu mệnh trời; 2- Ngăn quyền hào để nuôi sức dân; 3- Cấm phiền hà để dân
sống được; 4- Cấm xa xỉ để của dân dồi dào; 5- Dẹp trộm cướp để dân an
cư; 6- Sửa quân chính để bảo vệ dân. Bấy giờ vua trao hết mọi việc quốc
gia cho Bình An Vương quyết định, cho nên khải trình lên là muốn để
vương biết rõ mà giúp việc thi hành nhân chính.
Lại bộ hữu thị lang Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng khải lên Bình An
Vương rằng: "Trộm nghĩ, trời giáng tai dị hay ban điềm lành là do có đức
hay không. Làm điều thiện thì hiện ra điềm lành, làm điều ác thì răn bằng
tai dị. Song nhân tai dị mà sửa đức thì không [15a] tổn hại gì. Cho nên
người xưa lấy trời để tự xử mà kính cẩn đối với mệnh trời. Hán Văn Đế biết
thuận lòng trời mà biến dị đều hết, Tống Cảnh Công nói một câu lành mà
sao xấu lui đi. Nhà nước ta từ khi khôi phục đến giờ, trời đất chưa ứng,
điềm lành chưa đến, mà tai dị lại liên tiếp xảy ra. Như mùa thu năm nay,
trời mưa xuống than đen thì đó là tai dị, nhưng đương thời tránh nói là tai
dị, lại bảo là mưa gạo. Đâu phải đến mức khí hoà như đời Hoàng Đế mà
trời mưa ra gạo? Trời mưa xuống cát vàng, đó là quái dị, mà thuật sĩ lại
thích nói là điềm lành bảo là mưa vàng. Đâu phải là vận được hanh thông
như đời Hạ Vũ mà trời mưa ra vàng? Hẳn là trời tỏ sự răn đe mà chưa biết
tỉnh ngộ, nên hạ tuần tháng 9 qua đến thượng tuần tháng này, sao lạ hiện ra
ở phương đông nam, ai trông thấy [15b] cũng phải sợ hãi, thực không phải
là điềm lạ nhỏ. Có phải do đức chưa tu sửa, chính còn thiếu sót mà dẫn đến
thế chăng? Nay chính sự thi hành không bằng năm trước, mệnh lệnh ban bố
không thể theo ý khoan hồng của người trên, chỉ chăm làm điều hà khắc tàn
ngược, vét hết tài sản của dân, những tiếng than sầu khổ cũng đủ cảm động
đến trời mà trời răn bảo bằng điềm quái lạ, người làm chúa trông thấy thế
cũng nên tự xét. Kính xin kính cẩn sự răn bảo của trời,
thương nuôi dân mọn, một chút gì có lợi cho dân đều nên làm, một tệ gì có
hại cho dân đều nên bỏ. Lại càng phải thi hành nhân chính đối với dân. Dân
phố phường ở Kinh kỳ thực đáng thương xót, nên truyền lệnh các tướng
cấm ngăn bọn cướp đoạt để mạnh gốc rễ của nước; dân Thanh Hoa tứ
chiếng thực đáng thương xót, nên nhắc các tướng không được phiền nhiễu