Mùa thu, tháng 7, xây am Ngự Dược trên núi Yên Tử.
Tháng 8, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử
tu khổ hạnh.
Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công
Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói:
"Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng
dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên [7b]
xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc".
Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng
hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng
hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa.
Thượng hoàng bảo: "Quan gia đã trốn rồi chăng? thì xăm cho Huệ Vũ
Quốc Chẩn vậy".
Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa
là bắt đầu từ Anh Tông.
Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi,
gọi là "thái long" (rồng hoa).Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta
xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm
tới, cho nên gọi là "thái long".
Vua thích vi hành, cứ đêm đến, lại lên kiệu, cùng với hơn chục thị vệ đi
khắp trong kinh kỳ, gà gáy mới trở về cung. Có đêm, ra đến quân phường,
bị bọn vô lại ném gạch [8a] trúng vào đầu vua. Người theo hầu thét lên:
"Kiệu vua đấy". Bọn chúng biết nhà vua, mới tan chạy cả. Một hôm,
thượng hoàng thấy đầu vua có vết thương, vặn hỏi, vua cứ thực mà thưa.
Thượng hoàng giận giữ hồi lâu.
In các sách Phật giáo pháp sư, Đạo trường tân văn và Công văn cách thức
ban hành trong cả nước.
Tháng 9, xuống chiếu rằng từ năm Canh Dần (1290), Tân Mão (1291) đến
nay, phàm bán ruộng đất và mua gia nhân làm nô thì cho được chuộc, nếu
để quá năm nay thì không cho chuộc nữa.
Xuống chiếu cho sĩ nhân trong nước ôn luyện để đợi thi.
Lấy nội quan Trần Hùng Thao làm Tham tri chính sự, đồng tri Thánh Từ