chữ "nhập nội", xin bỏ chữ "nhập nội", Thánh Tông nghe theo. Từ đó, hàm
hành khiển chỉ gọi là nội hành khiển. Đến đây, thượng hoàng mới lấy Khắc
Chung làm hành khiển, lại thêm 2 chữ "nhập nội" như xưa và dùng cả sĩ
phu làm hành khiển).
Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Tham tri chính sự.
Trước đây, vua sai Nhữ Hài đi sứ Chiêm Thành, Nhữ Hài xin yết kiến
Thượng hoàng ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, suốt ngày không được
gặp. Một lát sau, pháp giá ra chơi, Nhữ Hài đến bái yết [18a]. Thượng
hoàng nói chuyện với Nhữ Hài có đến một giờ. Khi trở về, Thượng hoàng
bảo tả hữu:
"Nhữ Hài đúng là người giỏi, hắn được Quan gia sai khiến là phải".
Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành, đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau
mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên
trên án và nói với chúa Chiêm:
"Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng
lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy
chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau". Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà
lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa
ổn, nhưng lấy cớ mà lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không
phải khuất.
Hôm sau, Nhữ Hài treo bảng cấm buôn bán ở Tỳ Ni
970
(bến cảng của
Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn), tuyên đọc xong, treo bảng lên,
lại gọi viên coi cảng đến bảo:
"Chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là bến tàu xung yếu, khó giữ
gìn, [18b] sứ thần về rồi, cất ngay bảng đi, đừng để mất".
Ý ông cho rằng Chiêm Thành tuy đã thần phục, nhưng thực ra chưa chịu
nội phụ, bảng cấm rốt cục cũng bị bỏ đi, cho nên nói trước như vậy, không
để tự họ làm như thế. Sau này, đi sứ Chiêm Thành, không lạy chúa Chiêm
là bắt đầu từ Nhữ Hài. Khi về nước, vua rất khen ngợi ông và quyết ý dùng
vào chức to, cho nên có lệnh này.
Giáp Thìn, [Hưng Long] năm thứ 12 [1304], (Nguyên Đại Đức năm thứ 8).