- Bản quan xưa nay vẫn khuyến khích trồng đào…
Cà nhắc cà nhót đi theo sau cha nuôi tui là viên xã trưởng thành Nam, lão
nói to:
- Quan tri huyện nhân tết xuân mưa phùn, trồng một cây phiên đào để làm
gương cho dân chúng noi theo…
Cha nuôi liếc xéo viên xã trưởng một cái tỏ ý không bằng lòng về cái tội
nói leo, ông nói tiếp:
- Hỡi các con dân, các ngươi hãy trồng đào trước nhà trước cửa, vườn trước
vườn sau, “bớt chuyện gẫu bát phố, nên đọc sách, trồng đào”. Chỉ mươi
năm là cùng, huyện Cao Mật sẽ có những ngày tươi đẹp.
“Nghìn vạn cây đào hoa nở rộ, muôn dân tận hưởng khúc âu ca”
Cha nuôi ngâm xong hai câu thơ, liền cầm xẻng xúc đất, lưỡi xẻng chạm
một hòn cuội, tóe lửa. Đúng lúc đó, tên sai vặt Xuân Sinh lăn tới như một
quả bóng. Hắn quấn quít vừa nói vừa thở:
- Bẩm quan lớn, hỏng rồi, hỏng rồi!…
Cha nuôi nghiêm giọng hỏi:
- Chuyện gì mà hỏng?
Xuân Sinh nói:
- Bọn dân đen ở vùng đông bắc làm phản…
Cha nuôi quẳng cái xẻng xuống, phủ tay áo, chui luôn vào trong kiệu chạy
như bay, bọn nha dịch thất thểu chạy theo như chó nhà có tang.
Tui đứng trên đu, đưa mắt nhìn theo đội nghi trượng, trong lòng buồn rầu
không kể xiết. Cha đẻ ơi, cha làm cái tết mất vui rồi. Tôi thẫn thờ nhảy
xuống, lách vào đám đông ồn ào nhốn nháo, cắn răng chịu đựng bọn trai tơ
đục nước béo cò, nghĩ là mình nên vào vườn đào ngắm hoa hay về nhà luộc
thịt chó. Đang phân vân thì Giáp Con từ xó xỉnh nào vụt hiện ra trước mặt
tui, mặt đỏ gay, mắt trợn trừng trợn trạc, miệng lắp bắp:
- Bố tớ, bố tớ về rồi!
Quái quỉ thật! Tự dưng tòi ra ông bố chồng. Bố anh chết rồi kia mà? Chẳng
phải đã hơn hai mươi năm nay không có tin gì về bố anh đấy sao?
Giáp Con toát mồ hôi hột, vẫn tiếng được tiếng mất:
- Về rồi, đúng là về rồi!