chọn lựa. Tất nhiên, không phải tôi luôn tuân theo. Ai có thể sống mà không có sự thiếu nhất
quán chứ? (Tự truyện, trang 328)
Điều này có thể được hiểu vừa như một điểm mạnh vừa như một điểm
yếu. Nó cho ông khả năng khám phá và định hình các giả thuyết mà không
ai khác từng khám phá hoặc đề xướng ở thời đó, vì vậy giúp ông bù đắp cho
những lệch lạc của thuyết hành vi, cho khuynh hướng giản hóa luận của tâm
lý học Freud, và cho thiên hướng duy vật trong nền văn hóa phương Tây.
Nhưng mặt khác, nó có nghĩa là một số ý tưởng của ông kích động sự chống
đối thù địch, trong khi những ý tưởng khác được chào đón với sự thờ ơ hoặc
không thể lĩnh hội. Nó cũng có nghĩa là ông tự khiến mình rơi vào những
cáo buộc thật sự có hại, chẳng hạn cáo buộc rằng ông là người phân biệt
chủng tộc.
Cuốn sách này không khảo sát về cáo buộc trên, nhưng vì nó thi thoảng
lại được lặp lại và người ta lập luận rằng mọi tư tưởng của Jung nên được
gạt bỏ vì lời cáo buộc ấy, nên độc giả có quyền biết thực chất của luận điệu
này cũng như câu chuyện từ phía Jung.
Những người buộc tội Jung cho rằng trong những năm sau khi Hitler
nắm quyền vào năm 1933, Jung đã hành xử theo cách cho thấy ông vừa là
người bài Do Thái vừa là người có cảm tình với Đức quốc xã. Họ củng cố
luận điệu trên cơ sở hai bằng chứng: (1) ông công bố các bài viết cho rằng
có những khác biệt giữa tâm lý người Do Thái và tâm lý người Aryan, và (2)
năm 1933 ông trở thành chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu với người Đức chiếm đa
số, và biến nó thành một hội quốc tế, nơi ông vẫn giữ vai trò chủ tịch đến tận
năm 1939 - những năm sau khi hội của Đức đã chính thức “tuân thủ”
(gleichgeschaltet) ý thức hệ quốc xã.
Jung không tranh cãi về tính đúng đắn của những tuyên bố này, nhưng
hăng hái phản bác việc ông là người theo chủ nghĩa quốc xã hoặc phân biệt
chủng tộc. Vậy ông biện minh cho hành vi của mình bằng cách nào? Đầu