Tâm lý học Do Thái của Freud cũng bị quy định tương tự bởi lịch sử
của người Do Thái.
Phải chăng không nên hỏi đâu là những khác biệt đặc thù giữa một quan điểm cơ bản là Do
Thái và một quan điểm cơ bản là Cơ Đốc…? Chúng ta có thật sự tin rằng một nhóm dân tộc
từng lang thang nhiều ngàn năm trong lịch sử như thể “dân tộc được Thượng đế chọn” lại
không được nói cho biết một ý tưởng như vậy dựa trên một nét riêng về tâm lý khá đặc thù nào
đó? Nếu không có khác biệt nào, làm sao chúng ta nhận ra người Do Thái?
Mọi nhánh của nhân loại đều phát ra từ một thân, nhưng thân là gì nếu
không có nhánh? “Tại sao lại có sự nhạy cảm nực cười này khi có người
dám nói điều gì đó về khác biệt tâm lý giữa người Do Thái và người Cơ
Đốc? Ngay đứa trẻ cũng biết rằng khác biệt là có” (Toàn tập X, đoạn 1029).
Jung kết thúc bằng cách phủ nhận việc ông nêu ra vấn đề đó vì ủng hộ
quan điểm Đức quốc xã. Ông chẳng qua đang nhắc lại những quan điểm đã
có từ năm 1913. Tuy nhiên, “Tôi thẳng thắn thừa nhận thật là một trùng hợp
hết sức không may và làm đảo lộn mọi thứ khi cương lĩnh khoa học của tôi
bị liên kết với một tuyên ngôn chính trị, dù điều này ngược với ước muốn rõ
ràng của tôi” (Toàn tập X, đoạn 1034).
Về cáo buộc thứ hai liên quan đến vị trí chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu
trùng với sáu năm đầu tiên trong thời kỳ độc tài của Hitler, Jung giải thích
rằng ông chấp nhận vị trí chủ tịch chính là nhằm bảo vệ các thành viên Do
Thái của hội. Sự việc cụ thể như sau: Chủ tịch trước đó của hội, giáo sư
Ernst Kretschmer, đã từ chức khi Hitler nắm quyền năm 1933. Điều này có
lẽ vì tư tưởng Gleichgeschaltung (nghĩa đen là “làm cho hòa nhịp”) của hội
khi ấy đã lộ rõ. Jung lúc đó là phó chủ tịch danh dự, đã đồng ý nhận vị trí
chủ tịch dựa trên yêu cầu của các thành viên hàng đầu, nhưng với điều kiện
là có sự điều chỉnh triệt để đối với quy chế, biến hội thành một tổ chức quốc
tế.