Bally”, Jung tuyên bố vụ việc trên được thực hiện mà ông không biết và
không tán thành. Những người cáo buộc ông không tin điều này. Dù vậy,
ông công khai tuyên bố sự không liên can của mình năm 1934 (không phải
sau chiến tranh như một số người khẳng định), và nếu ông nói dối, sẽ không
thiếu người có khả năng vạch trần điều đó. Hơn nữa, các lá thư cũng được
công khai để xác nhận câu chuyện của Jung. Chẳng hạn, tháng 3 năm 1934
ông viết cho bác sĩ Olaf Bruel, nhà đồng sáng lập hội quốc tế người Đan
Mạch, trong đó nói tuyên ngôn của Göring đã xuất hiện ngược với “đòi hỏi
rõ ràng” của Jung rằng nó nên xuất hiện trong ấn bản đặc biệt “được ký bởi
Göring chứ không phải tôi”. Jung cũng viết cho thư ký của hội, Walter
Cimbal, phản đối về những điều đã xảy ra và đưa thêm một yêu cầu khẩn
thiết rằng mọi ấn bản tương lai của tờ Zentralblatt cho mục đích phát hành
quốc tế nên “phi chính trị trong mọi phương diện”.
Một khó khăn khác đối với Jung nảy sinh từ ngôn ngữ ông sử dụng
trong những bài viết về sự khác biệt giữa người Aryan và người Do Thái, và
từ nhận định của ông rằng việc Freud gán cho vô thức một “giá trị tiêu cực”
là sự đe dọa đối với văn hóa phương Tây, vì nó có thể giúp giải phóng
những lực hủy hoại đang tích lũy trong tâm thần người Aryan.
Là thành viên của một chủng tộc với nền văn minh ba ngàn năm tuổi, người Do Thái giống
người Trung Hoa với bề dày văn hóa ở chỗ có một phạm vi nhận thức về tâm lý rộng hơn
chúng ta. Vì thế, người Do Thái nhìn chung ít nguy hiểm hơn khi đặt một giá trị tiêu cực vào vô
thức của mình. Vô thức của “người Aryan”, ngược lại, chứa đựng những xung lực bùng nổ và
những hạt giống của một tương lai chưa hình thành, những thứ này có thể tạo thành một tâm lý
nguy hiểm nếu bị xem nhẹ như sự lãng mạn đang phôi thai. Những dân tộc German còn non trẻ
hoàn toàn có khả năng tạo ra những hình thức văn hóa mới, dù chúng vẫn đang ngủ yên trong
bóng đêm vô thức của mọi cá nhân như những hạt giống bùng nổ mang theo năng lượng và có
sức giãn nở khủng khiếp. Người Do Thái phần nào giống dân du cư, chưa từng tạo ra một hình
thức văn hóa của riêng mình, và trong khả năng chúng ta có thể thấy, họ sẽ không bao giờ làm
vậy, bởi mọi bản năng và tài nghệ của họ ít nhiều đòi hỏi một quốc gia văn minh đóng vai trò
chủ nhà cho sự phát triển của họ. (Toàn tập X, đoạn 353).