Hình 15. Mô hình tâm thần của Jung dưới dạng sơ đồ
Đến một mức độ giới hạn nào đó, cổ mẫu của Jung giống với Tư tưởng
(Ideas) của Plato. Theo Plato, “Tư tưởng” là những dạng tinh thần thuần túy,
tồn tại trong tâm thức của thánh thần trước khi cuộc sống loài người bắt đầu,
vì thế chúng nằm ngoài phạm vi của thế giới hiện tượng thông thường.
Chúng có tính chất tập thể ở chỗ chứa đựng đặc tính tổng quát của một vật,
nhưng cũng ẩn tàng trong những biểu hiện cụ thể. Chẳng hạn, dấu vân tay
của con người có thể được nhận ra ngay lập tức là dấu vân tay bởi nó có
định dạng không thể nhầm lẫn. Nhưng mỗi dấu vân tay lại có một định dạng
duy nhất chỉ chủ nó mới có, đây là lý do tại sao những tên trộm phải nhớ đeo
găng tay nếu muốn thoát khỏi sự truy bắt. Tương tự, cổ mẫu kết hợp cái phổ
quát với cái riêng, cái chung với cái duy nhất ở chỗ chúng là cái chung đối
với toàn nhân loại, nhưng lại tự biểu hiện trong mỗi con người theo một
cách đặc thù với riêng người ấy.
Sự khác biệt giữa cổ mẫu của Jung và Tư tưởng của Plato là ở những
tính chất năng động, tìm kiếm mục tiêu của chúng, cổ mẫu chủ động tìm
cách thực tại hóa trong nhân cách và hành vi của cá nhân, giống như vòng
đời mở ra trong ngữ cảnh của môi trường.
Thực tại hóa của các cổ mẫu
Cổ mẫu quan trọng nhất để được thực tại hóa trong tinh thần cá nhân
của một đứa trẻ là cổ mẫu người mẹ. Thực tại hóa (Jung cũng nói về sự
“khơi gợi” và “hợp chùm”) của một cổ mẫu có vẻ diễn tiến theo những quy
luật về liên kết mà các nhà tâm lý học đã tìm ra vào cuối thế kỷ 19. Hai quy
luật trong số này đặc biệt phù hợp, đó là quy luật về sự tương tự và quy luật
về sự cận kề. Như vậy, cổ mẫu người mẹ được thực tại hóa trong tinh thần
đứa trẻ thông qua sự cận kề của một người nữ chăm sóc, với hành vi và đặc
điểm cá nhân đủ tương tự với cấu trúc có sẵn của cổ mẫu người mẹ, khiến