đứa trẻ nhận thức và trải nghiệm người nữ ấy như “mẹ”. Sau đó, trong quá
trình mối quan hệ gắn bó này phát triển, cổ mẫu trở nên hoạt động trong tinh
thần cá nhân của đứa trẻ dưới dạng phức hợp mẹ. Đồng thời, thông qua sự
tương tự và cận kề, đứa trẻ tập hợp cổ mẫu “người con” ở mẹ. Mỗi phía
trong cặp đôi này tạo ra trường nhận thức chịu trách nhiệm cho việc khơi gợi
cổ mẫu ở người kia.
Trong suốt quãng đời của Jung, hầu hết các nhà tâm lý học xác nhận
rằng trẻ em là đối tượng thụ động đón nhận sự chăm sóc của mẹ, và chúng
trở nên gắn bó với mẹ vì được mẹ cho ăn (cái gọi là lý thuyết “tình yêu qua
dạ dày”). Ngược lại, Jung khẳng định trẻ em chủ động tham gia vào sự hình
thành mọi mối quan hệ của chúng với thế giới, ông bảo vệ quan điểm “sẽ là
một sai lầm nếu như đa số những người cùng thời cho rằng tinh thần của đứa
trẻ mới sinh là một tabula rasa, một cái bảng trắng theo nghĩa tuyệt đối
không có gì trên đó” (Toàn tập IX, đoạn 136). Chúng ta đem theo mình một
cấu trúc tâm thần bẩm sinh, cho phép ta có những kinh nghiệm điển hình
của riêng mình.
Do vậy, toàn bộ bản chất của người nam đã bao hàm người nữ cả về thể chất lẫn tâm hồn. Hệ
thống của anh ta được hòa điệu với người nữ ngay từ lúc đầu, chưa kể nó cũng được chuẩn bị
cho một thế giới khá rõ ràng, nơi có nước, ánh sáng, không khí, muối, hydrat cacbon… Hình
dạng của thế giới mà anh ta được sinh ra đã được bẩm sinh trong anh ta như một hình ảnh thật
sự. Tương tự, cha mẹ, vợ, con, sinh và chết cũng được bẩm sinh trong anh ta như những hình
ảnh thật sự, những khuynh hướng tâm thần. Những phạm trù tiên nghiệm này vốn đã có một
tính chất tập thể; chúng là những hình ảnh về cha mẹ, vợ và con nói chung, và không phải là
những điều tiền định cho cá nhân. Do đó, chúng ta phải nhìn nhận những hình ảnh là không có
nội dung thực chất, hay nói cách khác, chúng có tính chất vô thức. Chúng chỉ có được sự thực
chất, ảnh hưởng và cuối cùng trở thành ý thức trong quá trình giáp mặt với những sự việc của
trải nghiệm, được các sự việc ấy chạm vào và kích thích để trở nên sống động, ở một góc độ
nào đó, chúng là những lắng đọng của tất cả kinh nghiệm tổ tiên, nhưng tự thân chúng không
phải là những kinh nghiệm. (Toàn tập VII, đoạn 300)